Tinh thần khởi nghiệp: “Thắp lửa” từ tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đinh Thành Trung| 12/01/2018 09:34

Ngay từ khi đất nước chưa hoàn toàn thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi giới công thương là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Người đánh giá cao và hết lòng mong mỏi các doanh nghiệp, doanh nhân cùng chung sức để xây dựng một nền kinh tế vững vàng và thịnh vượng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 100 bài nói, viết, điện, thư cho các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Trong bức thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này”. Có thể thấy rằng, với tầm nhìn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự coi trọng sâu sắc với bộ phận không thể thiếu được của nền kinh tế, coi hoạt động công nghiệp, coi thương nghiệp là một nghề, có mối quan hệ hữu cơ giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi nhà nước, với quan điểm dân có giàu thì nước mới mạnh. Đó là tư tưởng rất biện chứng, cho chúng ta thấy khả năng vận dụng thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chủ nghĩa Mác - Lênin.

Ngày nay, tư tưởng ấy vẫn đang được phát huy ở các doanh nghiệp Việt Nam khi các hiệp hội đang tập hợp rất tốt các doanh nghiệp của mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để chung tay cùng sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã thành công đang phối hợp tốt với nhà nước để tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới bắt nguồn từ những ý tưởng khởi nghiệp. Đó chính là một cách đoàn kết tạo thành sức mạnh tập thể, để phát huy mọi nguồn lực đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp, doanh nhân. Rõ ràng, nếu có càng nhiều doanh nghiệp mạnh, nhiều doanh nhân thành công thì đất nước sẽ càng vững mạnh. Cho đến hôm nay, tư tưởng vượt thời gian của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại được nhắc đến trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới ngày nay. Để có được thế và lực mạnh, không bị “chìm nghỉm” khi hội nhập, Việt Nam cần phải có một nền kinh tế mạnh, và lực đẩy cho nền kinh tế đó chính là các doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì được bắt đầu từ tinh thần khởi nghiệp.

Lê Văn Hoàng (SN 1990) (trái), phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) khởi nghiệp với nghề chế biến, kinh doanh cà phê sạch. Ảnh tư liệu

Không phải ngẫu nhiên mà tinh thần khởi nghiệp lại nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị như vậy.  Cách đây hơn 40 năm, Bác Hồ đã nhấn mạnh, tinh thần đoàn kết với các doanh nghiệp, doanh nhân để đưa nước ta thành một nước có nền kinh tế ổn định, sánh vai với các nước trên thế giới. Hiện tại, tinh thần khởi nghiệp lại một lần nữa được đẩy lên thành phong trào lớn mạnh trên khắp cả nước. Thời buổi đất nước còn trong cảnh thuộc địa đã có nhiều tấm gương vươn lên làm giàu, đóng góp cho quê hương đất nước như Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can… Đó chính là truyền thống của doanh nhân Việt Nam từ xa xưa để thế hệ thanh niên ngày nay học tập noi theo.

Chúng ta đã có chương trình quốc gia về khởi nghiệp, đến nay đã thu hút được hàng ngàn dự án và ý tưởng kinh doanh. Vai trò của đội ngũ doanh nhân trẻ là vô cùng to lớn đặc biệt là đội ngũ ở các trường đại học cả nước trong thời kỳ đổi mới. Đó chính là nền tảng để Việt Nam phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có chất lượng vì một nền kinh tế vững mạnh và phát triển. Ở nước ta, doanh nghiệp nhỏ và vừa là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế, chiếm gần 97% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP. Như vậy, chính từ những doanh nghiệp nhỏ với chỉ vài ba người, nếu tồn tại được trên thương trường thì sự đóng góp cho đất nước sẽ rất lớn. Biết rằng đã bước vào thương trường thì tất có thắng, có bại, nhưng nếu không dám dấn thân mạo hiểm thì không thể có những doanh nghiệp thành công. Nhìn rộng ra, giá trị của khởi nghiệp không phải chỉ là sự dấn thân tìm kiếm cái mới mà tinh thần khởi nghiệp còn có sức lan tỏa rất mạnh, vừa đóng góp cho xã hội vừa để định hướng tư tưởng, suy nghĩ của giới trẻ hiện nay. Nếu trong một địa bàn cơ sở mà có một gương sáng khởi nghiệp thành công thì sẽ có tác dụng thúc đẩy ý chí tự lực, tinh thần cầu tiến cho lớp trẻ khu vực đó. Trong thời đại công nghệ, thông tin lan tỏa rất nhanh trên mạng thì những gương khởi nghiệp lại càng có sức hút hơn.

Trong việc khởi nghiệp, tự thân vài người không thể làm ra cả một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả được mà còn cần sự giúp sức của Chính phủ và của cả xã hội. Khả năng hiện thực hóa dự án khởi nghiệp ở nước ta chưa cao, vì nhiều lý do. Do vậy, doanh nhân trước hết cần trang bị kiến thức phong phú, giàu kỹ năng và nhất là có tinh thần dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà Bộ Chính trị vừa thông qua. Đội ngũ doanh nhân ngày nay cần phải có tinh thần của người lính, tức là coi kinh doanh như một "cuộc chiến". Bản thân mỗi người chủ doanh nghiệp phải có tinh thần của người lính Cụ Hồ thời bình, kinh doanh không phải chỉ để làm giàu mà còn vì đất nước, vì sự hưng thịnh của quốc gia, vì một Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước. Nhiều doanh nghiệp ngày nay đã có được tinh thần đó nên đã thu được nhiều thành công trong nước và quốc tế.

Để phong trào khởi nghiệp thành công, trước hết phải dám làm chứ không nên hô hào suông. Mà dám làm thì cũng cần có các điều kiện cơ bản như được vay vốn, hỗ trợ thủ tục hành chính hay được đào tạo kiến thức quản lý. Bản thân người thanh niên cũng phải nỗ lực hết sức khắc phục khó khăn trước mắt và quan trọng nhất là phải sáng tạo mọi lúc mọi nơi. Tuy nước ta vẫn cần phải cố gắng nhiều trong phát triển kinh tế nhưng chúng ta có điểm mạnh về con người. Thanh niên Việt Nam cần cù, thông minh, sáng tạo và có ý chí vươn lên. Vì vậy, nước ta mới được xếp thứ 7 về tinh thần khởi nghiệp trên thế giới. Đó chính là cơ sở để chúng ta tin rằng tinh thần Việt sẽ giúp tạo ra được những sản phẩm cụ thể để nâng tầm nền kinh tế với thế và lực mới. Trước đây, khi Tổ quốc gọi, bao thanh niên Việt sẵn sàng lên đường chiến đấu. Còn ngày nay, chúng ta luôn tin rằng, những thanh niên có trách nhiệm với đất nước sẽ luôn dấn thân, chấp nhận rủi ro để khởi nghiệp góp phần xây dựng một nền kinh tế Việt Nam năng động, sáng tạo, tự tin hội nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh thần khởi nghiệp: “Thắp lửa” từ tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO