Tính hấp dẫn của báo đảng địa phương

Hồ Văn Miền| 17/06/2016 09:52

Sự cạnh tranh giữa các phương tiện thông tin đại chúng trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay diễn ra rất sôi động, vừa là thuận lợi vừa là thách thức.

Trong xu thế hiện nay, báo chí đa phương tiện là một nhu cầu tất yếu. Ngoài loại hình báo in truyền thống, hầu hết các cơ quan đã có báo điện tử, trang thông tin tổng hợp. Nhiều đơn vị cũng đã phát triển các loại hình báo chí tích hợp như phát thanh, truyền hình Internet trên trang, báo điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc trong thời đại công nghệ thông tin. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập đến việc nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn chung của báo đảng địa phương.

Vậy làm thế nào để báo chí địa phương có nội dung thật hấp dẫn mà vẫn bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, định hướng tuyên truyền là câu hỏi đặt ra không dễ trả lời.

Phóng viên Đài PT-TH Đắk Nông tác nghiệp tại xã Nam Xuân (Krông Nô). Ảnh: Đức Diệu

Hấp dẫn về chính trị

Báo chí muốn đạt mục đích của mình, trước hết phải hấp dẫn, nghĩa là phải được nhiều người thích mua. Nhưng thế nào là hấp dẫn ? Khó mà định ra được tiêu chuẩn thống nhất về hấp dẫn đối với mọi tờ báo. Bởi lẽ, mỗi tờ báo có tôn chỉ, mục đích và đối tượng riêng của mình, mà khi nói đến hấp dẫn thì không thể không tính đến sự hấp dẫn của tờ báo đối với đối tượng đó. Song, là những phương tiện thông tin đại chúng, giữa các tờ báo cũng đã hình thành một tiếng nói chung, thông thường thế nào là hấp dẫn: Về hình thức: Thiết kế, trình bày có tính mỹ thuật, báo chí. Chữ rõ, đẹp, giấy tốt, có nhiều màu sắc, nhiều ảnh đẹp, có sức sống. Hấp dẫn là phải có nhiều chuyên mục nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng về hiểu biết, mở rộng kiến thức của người đọc.

Hiện nay một số phương tiện thông tin đại chúng khai thác quá nhiều, đăng tải những vụ việc bê bối, những chuyện hiếu kỳ thiếu lành mạnh, làm phương hại đến thuần phong mỹ tục, làm thương tổn ý thức đạo đức xã hội, nhất là đối với lớp trẻ, khiến dư luận bất bình. Vậy nên, vấn đề đặt ra ở đây là làm sao báo chí hấp dẫn nhưng thể hiện được tôn chỉ mục đích của mình, cụ thể là báo đảng địa phương.

Không nói đến báo chí chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, thì nói chung báo chí phải là báo chí chính trị. Dù là báo của Đảng hay các đoàn thể, tổ chức chính trị, báo chí vẫn là cơ quan tuyên truyền, cổ động, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm cách mạng, là diễn đàn của nhân dân đối với các vấn đề về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, của tỉnh. Do vậy, cái cần hấp dẫn nhất của báo chí là hấp dẫn về chính trị, và đây là điều khó nhất.

Hai thể loại quan trọng nhất của báo chí chính trị là thông tin và nghị luận. Thông tin sao cho kip thời, phong phú, đa dạng, nhiều chiều mà không xa rời định hướng, không rơi vào một chiều, đơn điệu, sơ lược, công thức. Nghị luận thì phải có chiều sâu về tư duy chính trị, sắc bén, mới mẻ, có sức thuyết phục cao, lý giải được các vấn đề thực tiễn đặt ra, mà không minh họa một cách sáo mòn các nghị quyết, các chủ trương, đường lối. Chúng ta đã có những cố gắng nhất định về các mặt này, nhưng xét theo yêu cầu thì chỉ mới đạt ở mức thấp. Ở nhiều tờ báo, nhiều bài báo thuộc thể loại nghị luận chưa hấp dẫn người đọc.

Xây dựng uy tín, vị thế và đặc trưng riêng

Theo chúng tôi, đối với báo chí địa phương, khó khăn rõ nhất chính là việc tạo uy tín, vị thế và đặc trưng riêng. Nếu người làm báo không tạo được mối liên hệ chặt chẽ với cơ sở, không tìm ra những vấn đề mấu chốt mà cơ sở quan tâm, cần sự giúp đỡ thì rất khó có thể tiếp cận để làm việc và đương nhiên sẽ khó có những tác phẩm báo chí hay, có tác động xã hội sâu sắc.

Do đó, nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền với phương châm “nhanh, đúng, trúng, hay”, đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu thì các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo Đảng chúng ta tiếp tục đổi mới nâng cao tính chiến đấu, kiên quyết chỉ rõ, phê phán cái xấu; phát hiện ca ngợi gương tốt và biết khai thác kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng Đảng thì báo Đảng sẽ có tính hấp dẫn cao hơn, lôi cuốn được nhiều bạn đọc và có thương hiệu, sức cạnh tranh.

Bác Hồ cho rằng, một tờ báo không có tính chiến đấu là tờ báo không có linh hồn. Một tờ báo chỉ nói những điều ngoài lề cuộc sống, những điều chẳng những không cổ vũ được mà còn làm nản tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng thì tuyệt nhiên không phải là tờ báo cách mạng. Bác Hồ cũng từng chỉ rõ: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ viết càn”. Theo Người, tính chân thật là một trong những đặc trưng cơ bản của báo chí.

Thực tế ở báo tỉnh cũng có rất nhiều vấn đề mà quần chúng nhân dân quan tâm, những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội cùng những mặt tích cực và tiêu cực của nó cần được phát hiện, lý giải. Các vấn đề văn hóa, địa lý, lịch sử, phong tục tập quán cần phải được đề cập một cách sâu sắc, toàn diện và có hệ thống. Các vấn đề địa phương được nêu lên không chỉ riêng nhân dân địa phương, mà nhân dân cả nước cũng cần được biết để cùng nhau giải quyết vì lợi ích của địa phương và cũng là vì lợi ích chung của cả nước. Rõ ràng tính hấp dẫn của báo chí địa phương là phải có màu sắc địa phương, phải có cách đề cập và thể hiện sinh động các vấn đề của địa phương mình sao cho thu hút được sự quan tâm của người dân địa phương và dân cả nước.

Người dân xã Đắk R'măng (Đắk Glong) tìm hiểu thông tin trên báo Đắk Nông. Ảnh: A Trư

Bắt đầu từ nguồn nhân lực

Cần khẳng định hấp dẫn và đúng đắn không phải là hai phạm trù trái ngược, không thể dung hòa trong một. Trung thực, kịp thời, có tính phát triển, giàu chất nhân văn là những yếu tố làm nên sự hấp dẫn của bài báo, của tờ báo, không có gì mâu thuẫn ở đây! Đối với báo chí, mọi vấn đề đều có thể đề cập, vấn đề là ở chỗ đề cập như thế nào. Đây chính là đạo đức nghề nghiệp, năng lực của nhà báo, của tòa soạn. Báo chí bây giờ có tính cạnh tranh, nhưng phải cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh mang tính nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bằng sự rẻ tiền, giật gân, câu khách.

Sức hấp dẫn của báo chí xét cho cùng vẫn ở chỗ thông tin được những điều mới mẻ, đề cập được những vấn đề bạn đọc quan tâm, phát hiện, đề xuất những điều làm cho người đọc phải suy nghĩ, tạo ra được công luận chính đáng thúc đẩy sự phát triển của gia đình, cộng đồng, địa phương, đất nước. Đi ngược lại với tính ấp dẫn đó là sự đơn điệu, nghèo nàn, sơ lược, trùng lặp, thông tin điều người ta đã biết hoặc người ta không quan tâm; nhiều nội dung mang tính áp đặt, thiếu sức thuyết phục. Điều này cho thấy tính hấp dẫn phụ thuộc vào chất lượng thông tin và kế đó là cách thể hiện. Có thông tin có chất lượng, cách thể hiện vẫn rất quan trọng.

Ở đây chưa bàn đến những chức năng như định hướng dư luận, chỉ bàn đến khía cạnh hấp dẫn của thông tin, để thu hút bạn đọc, cần đến sự hấp dẫn về mặt thể hiện thông tin trên mặt báo. Từ câu chữ, hình thức, thể tài, thể loại, phương tiện truyền tải…càng đa dạng và hấp dẫn thì độ “phủ sóng” của thông tin càng lớn. Đặc biệt, ở những bài viết mang tính tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…thì tính hấp dẫn trong thể hiện càng nên được chú trọng để hạn chế sự khô khan, đơn điệu.

Nhưng, bao giờ và ở đâu cũng vậy, việc gì cũng do con người làm ra, vậy nên nhân tố quyết định nâng cao chất lượng báo chí là cần nâng cao bản lĩnh chính trị, nhận thức, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của người lãnh đạo, quản lý, biên tập viên, nhà báo và cộng tác viên. Vấn đề đặt ra là muốn làm cho báo chí hấp dẫn về mặt chính trị, phải có sự quan tâm, giúp đỡ, khuyến khích của các cấp lãnh đạo, sự đầu tư về nhiều mặt của ban biên tập, sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi phóng viên, nhà báo, trước hết là bản lĩnh chính trị và tinh thông nghề nghiệp. Chăm lo đến đội ngũ này cả về vật chất và tinh thần sẽ góp phần nâng cao chất lượng tờ báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tính hấp dẫn của báo đảng địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO