Tìm hiểu Hiến pháp năm 2013: Văn hóa là động lực, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng

Tường Mạnh| 22/04/2014 10:00

Tại Điều 60, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định: Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…; xây dựng con người Việt Nam có sức khỏe, văn hóa, giàu lòng yêu nước, có tinh thần đoàn kết, ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Văn hóa nói chung, chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng đóng vai trò quan trọng, tạo bước nhảy vọt triệt để trong tư duy, hành động của con người và của các dân tộc bị áp bức, bị tha hóa đến vương quốc của con người phát triển tự do, toàn diện.

Văn nghệ chào mừng Đại hội Thể dục - thể thao toàn tỉnh lần thứ III,  năm 2014. Ảnh: Đức Hùng

Theo đó, văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, vì xây dựng xã hội phải dựa trên 4 mặt: chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Nhưng văn hóa phải nằm trong chứ không nằm ngoài các lĩnh vực kia. Thậm chí văn hóa phải có trước, định hướng cho sự phát triển của chính trị - kinh tế -xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”.

Văn hóa còn có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây dựng xã hội mới”. Văn hóa tạo sức mạnh để chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần “văn minh thắng bạo tàn”. Kinh tế nâng cao đời sống vật chất, còn văn hóa có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Văn hóa còn như là một động lực thúc đẩy các dân tộc đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau.

Rõ ràng, văn hóa có chức năng bồi dưỡng tư tưởng đúng và tình cảm cao đẹp cho con người, làm cho ai cũng có lý tưởng độc lập, tự do, cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng.

Văn hóa xây dựng tình cảm lớn cho con người, biết yêu cái gì, ghét cái gì, tin tưởng, căm thù cái gì. Văn hóa nâng cao dân trí, trình độ hiểu biết của mọi người dân, hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Văn hóa trang bị cho mọi người những kiến thức để tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà. Văn hóa bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp cho con người, bồi dưỡng tác phong lành mạnh, hướng con người đến cái chân -thiện - mỹ để tự hoàn thiện bản thân.

Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn khẳng định: xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là nền tảng tinh thần của xã hội, là tầm cao chiều sâu về trình độ phát triển của dân tộc, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa người với người, người với xã hội, với thiên nhiên. Văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng.

Trong các tư tưởng chỉ đạo xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là tư tưởng chỉ đạo hàng đầu. Vì vậy, Đảng ta đã chỉ rõ: xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì trước hết phải thấy vị trí và tầm quan trọng của văn hóa trong xã hội. Phát triển kinh tế phải có gia tài văn hóa như là “hệ điều tiết” xã hội.

Cách mạng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa phải được thai nghén và nuôi dưỡng trong môi trường văn hóa. Nghiên cứu thấu đáo, toàn diện văn hóa dân tộc và văn hóa phương Đông để thấy rằng, sức mạnh văn hóa Việt Nam không những giúp chúng ta đánh thắng ngoại xâm mà còn là vũ khí tinh thần giúp ta trong xây dựng đất nước.

Xây dựng nền văn hóa mới phải toàn diện, nhưng chú ý đến hai vấn đề quan trọng hàng đầu, đó là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng phải trở thành văn hóa, là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm của dân tộc và thời đại. Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh là gìn giữ Tổ quốc ta mãi mãi là quốc gia văn hiến, dân tộc ta là một dân tộc văn hóa, nền văn hóa nước ta không ngừng phát triển, xứng đáng với tầm vóc của thời đại.

Còn về mối quan hệ văn hóa với xây dựng con người mới, các văn kiện của Đảng cũng chỉ rõ: nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp văn hóa là bồi dưỡng con người Việt Nam về trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, nhân cách, xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan XHCN, hướng con người tới những giá trị chân-thiện-mỹ.

Chính sách văn hóa hướng vào việc xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước và yêu CNXH, có ý thức tự cường dân tộc, trách nhiệm cao trong lao động, có lương tâm nghề nghiệp, có tác phong công nghiệp.

Con người của CNXH có tư tưởng và tác phong XHCN là những người có ý thức làm chủ, tinh thần tập thể và tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, dám làm, dám chịu, có quyết tâm vươn lên hàng đầu, có chí tiến thủ, có đạo đức; làm việc phải có kế hoạch, có tổ chức, kỷ luật, có hiệu quả, năng suất, chất lượng, không sợ khó, sợ khổ, làm việc hết mình cho mình, cho tập thể và cho xã hội; có năng lực làm chủ bản thân gia đình, công việc, có đủ sức khỏe, đầy đủ tư cách tham gia vào quản lý xã hội, thực hiện có kết quả quyền công dân. Sự nghiệp “trồng người” phải đặt ra trong suốt cuộc đời của mỗi con người, là trách nhiệm của toàn xã hội.   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu Hiến pháp năm 2013: Văn hóa là động lực, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO