Thực hiện Quyết định 526 của UBND tỉnh: Nhiều mục tiêu chưa đạt

Hà An| 27/11/2014 09:40

Thực hiện thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 27/4/2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 526/QĐ-UBND về việc tiếp tục xây dựng, phát triển bon, buôn, bản và thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến 2020.

Mục tiêu là từng bước lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, phát triển bon, buôn, bản có đông đồng bào DTTS nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và hòa nhập với cộng đồng để phát triển bền vững. Phấn đấu hàng năm, các bon, buôn có đông đồng bào DTTS giảm từ 3-5% tỷ lệ hộ nghèo; giữ vững về chính trị, đảm bảo về an ninh quốc phòng; đến năm 2012 không còn buôn, bon trọng điểm về an ninh trật tự…

Đường nội bon Phi Mur, xã Quảng Khê (Đắk Glong) đã được bê tông hóa tạo thuận lợi cho người dân trong bon sinh hoạt, phát triển sản xuất. Ảnh: Lê Tuấn

Theo đó, sau khi ban hành quyết định, UBND tỉnh cũng đã lập quy hoạch đưa 39 bon, buôn, bản, thôn có đông đồng bào DTTS vào đề án để triển khai, với tổng kinh phí gần 592 tỷ đồng. Đến nay, từ các nguồn vốn, các bon, buôn, bản, thôn đã được đầu tư gần 60 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở, hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất cho đồng bào…

Cụ thể, từ số vốn trên, các địa phương đã triển khai xây dựng được 27 công trình đường giao thông, 1 công trình thủy lợi, 1 công trình nhà mẫu giáo, 1 công trình cầu cống vào khu sản xuất, 3 công trình nước sinh hoạt tập trung và nâng cấp sửa chữa 2 nhà văn hóa cộng đồng. Kết quả đầu tư đã phần nào tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, làm thay đổi đời sống kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, qua kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh mới đây cho thấy, không chỉ tiến độ triển khai chậm mà nhiều mục tiêu cũng chưa đạt hoặc chưa mang tính bền vững, hiệu quả còn thấp so với lộ trình, kế hoạch đề ra. Cụ thể, số vốn trên mới chỉ đáp ứng được hơn 8% tổng vốn đầu tư theo dự toán trong giai đoạn 2010-2015. Vì nguồn vốn hạn chế nên tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ, manh mún đã dẫn đến hiệu quả tác động thấp, thiếu tính bền vững.

Đơn cử như tại huyện Đắk Song, theo đề án, huyện được quy hoạch 6 bon với tổng kinh phí khái toán giai đoạn 2010-2015 khoảng 111 tỷ đồng, nhưng đến nay, mới chỉ có 4 bon được đầu tư xây dựng một số công trình như: 1 công trình đập thủy lợi, 1 nhà văn hóa cộng đồng, 3 đường giao thông khu dân cư nội bon, 1 đường bê tông vào khu sản xuất, 1 trường tiểu học và hỗ trợ cây, con giống cho đồng bào. Tương tự, huyện Tuy Đức có 7 bon được quy hoạch theo chương trình này với tổng kinh phí khái toán 130 tỷ đồng, nhưng đến nay, mới có 5 bon được đầu tư một số công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch tập trung…

Mặc dù đã được ưu tiên, nhưng số vốn đầu tư tại hai huyện Đắk Song, Tuy Đức cũng rất ít so với nhu cầu thực tế, chủ yếu là vốn lồng ghép các chương trình, dự án trung ương. Còn nguồn vốn từ ngân sách tỉnh chỉ được 6 tỷ đồng đầu tư 4 công trình đường giao thông cho 4/39 bon nằm trong quy hoạch.

Chưa kể trong quá trình triển khai, việc lồng ghép các nguồn vốn khác để đầu tư, sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà văn hóa cộng đồng, hỗ trợ đồng bào sản xuất hiệu quả đạt được còn thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu của chương trình. Điển hình như công trình nước sinh hoạt tập trung tại bon Bu N’Drong, xã Quảng Tân (Tuy Đức) mới đầu tư xong nhưng không sử dụng được vì nguồn điện không đảm bảo. Đối với đập thủy lợi Xơre thuộc bon Bu Ruăh, xã Đắk N’drung (Đắk Song) được đầu tư nâng cấp năm 2010 với tổng vốn 421 triệu đồng, nhưng hiện hiệu quả hoạt động rất thấp vì quy mô nhỏ và đang bị xuống cấp, rò rỉ, thiếu tính an toàn.

Ngoài những hạn chế trên, qua giám sát cũng cho thấy, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương theo sự phân công của UBND tỉnh còn lỏng lẻo, mang tính hình thức, thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện còn chậm nên những bất cập phát sinh chưa được khắc phục kịp thời…Vì vậy, Ban Dân tộc HĐND tỉnh sẽ có kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh và cơ quan chức năng trong việc đề ra nhóm giải pháp để tiếp tục chỉ đạo, thực hiện hiệu quả Quyết định 526, từng bước xây dựng thôn, bon, buôn có đông đồng bào DTTS theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Quyết định 526 của UBND tỉnh: Nhiều mục tiêu chưa đạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO