Thực hiện Quy chế dân chủ ở Đắk R'lấp: Bắt đầu từ những việc nhỏ, gắn với lợi ích của dân

Hoàng Hoài| 26/08/2014 09:51

Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 4/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở”, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đã từng bước đi vào chiều sâu, góp phần tạo dựng niềm tin trong nhân dân.

Theo đó, hàng năm, các cấp ủy, chính quyền ở các xã, thị trấn đã đưa việc thực hiện QCDC ở cơ sở vào nghị quyết, kế hoạch công tác, gắn với công tác tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên ở các chi bộ, đảng bộ trên địa bàn để nhân dân kiểm tra, giám sát và góp ý nên đã tạo được bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của mỗi người.

Nhiều tuyến đường nông thôn trong xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp) đã được bê tông hóa. Ảnh: Hồ Mai

Đến nay, 100% xã, thị trấn đã có bảng tin niêm yết các văn bản, kế hoạch tuần, tháng, hòm thư góp ý tại trung tâm xã và những nơi công cộng. Việc triển khai thực hiện QCDC cơ sở cũng được gắn với cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” đã góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, giảm bớt tình trạng gây phiền hà cho nhân dân.

Qua thực hiện QCDC cơ sở, cán bộ chính quyền có mối quan hệ với nhân dân tốt hơn, giảm hẳn tình trạng quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Trong 11 việc cần phải thông báo cho dân biết, hầu hết chính quyền các xã, thị trấn đã kịp thời thông báo để dân biết, tham gia ý kiến và tập trung vào các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính sách, pháp luật có liên quan đến lợi ích, quyền và nghĩa vụ của nhân dân.

Các lĩnh vực về tài chính, công tác cán bộ, thi đua khen thưởng, thu hồi và bồi thường đất đai, quy hoạch, đóng góp xây dựng nông thôn mới… đều được thực hiện công khai, đúng trình tự, quy định của cấp trên… Việc tổ chức cho cán bộ, nhân dân bàn biện pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách của địa phương cũng như thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành phát động cũng được chú trọng.

Hoạt động của ban thanh tra nhân dân thường xuyên được củng cố kiện toàn, với 11 xã, thị trấn đều thành lập ban thanh tra nhân dân. Với phương châm “gần dân, sát dân”, thông qua hoạt động thanh tra, giám sát, ban thanh tra nhân dân các khu dân cư đã phát hiện và kiến nghị giải quyết được 42 vụ việc mâu thuẫn, bất đồng ở địa phương.

Đối với 5 việc dân bàn và quyết định trực tiếp cũng được thực hiện đầy đủ, dân chủ và công khai như dân bàn thống nhất các mức đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi, hương ước, quy ước thôn, bon… Qua đó, phát huy được những tiềm năng sẵn có của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở cơ sở.

Điển hình như Mặt trận Tổ quốc huyện đã vận động các nguồn lực trong dân đóng góp được trên 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ sửa chữa và xây mới 255 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo và xây dựng 2 trường mầm non cho các cháu thiếu nhi; Liên đoàn Lao động huyện thì tổ chức sửa chữa và làm mới 5 căn nhà cho người lao động nghèo;  Hội Cựu chiến binh huyện thì vận động các đơn vị, doanh nghiệp xây 3 căn nhà tình thương cho các hội viên nghèo; Hội Liên hiệp phụ nữ huyện thì xây dựng 4 căn nhà tình thương cho hội viên nghèo.

Theo bà Lê Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đắk R’lấp thì hầu hết các khoản đóng góp do địa phương hay hội phát động, các cấp hội đều tổ chức họp hội viên nói rõ mục đích, ý nghĩa, rồi để chị em thảo luận, có ý kiến về cách thức, mức đóng góp…

Khi đạt được sự thống nhất chung thì hội mới tiến hành thu và công khai các khoản chi để chị em nắm bắt và theo dõi. Nhờ đó, các phong trào, hoạt động do hội và địa phương kêu gọi, hội viên, chị em đều hưởng ứng nhiệt tình.

Còn theo ông Trương Quang Hùng, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 8, xã Nhân Đạo thì vừa qua, để làm được con đường bê tông dài 1,6 km thì thôn đã tổ chức họp 27 hộ dân để bàn bạc mức đóng góp và chỉ trong 1 lần họp, tất cả đã thống nhất đóng góp được 670 triệu đồng.

Ông Hùng cho biết: “Ở đâu phát huy được dân chủ thì ở đó lòng dân sẽ đồng thuận. Việc thực hiện dân chủ cần phải bắt đầu từ những việc nhỏ, gắn với lợi ích của nhân dân. Và để dân đồng thuận thì dù làm việc gì, đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng phải đi đầu, nêu gương sáng”.

Ngoài ra, đối với việc bầu trực tiếp trưởng thôn, bon, Mặt trận Tổ quốc các xã, thị trấn đều phối hợp với chính quyền, đoàn thể trực tiếp hướng dẫn các thôn, bon tổ chức công khai, dân chủ nên tạo sự đồng thuận trong dân.

Các trưởng thôn, bon sau khi được bầu cũng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phục vụ nhân dân, nhất là vận động người dân thực hiện tốt QCDC, tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giữ vững an ninh nông thôn ở địa phương.

Theo Huyện ủy Đắk R’lấp thì việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở không chỉ phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh mà còn là động lực cho quá trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội… của huyện.

Do đó, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 65-KL/TW bằng việc tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Quy chế dân chủ ở Đắk R'lấp: Bắt đầu từ những việc nhỏ, gắn với lợi ích của dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO