Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): Phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng

Tường Mạnh| 11/01/2017 11:06

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã nhấn mạnh đến nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết.

Trong đó, có một nội dung đáng chú ý đó là: Xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Quan điểm của Đảng là khuyến khích, phát huy vai trò của nhân dân trong việc phát hiện và phản ánh những biến động bất thường về tài sản của cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, ngăn chặn tình trạng tham nhũng - một vấn đề đang nhức nhối trong xã hội hiện nay.

Cụ thể, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhận định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng.

Đặc biệt, Nghị quyết đã chỉ ra 1 trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là: Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

Có thể nói, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Điều nhân dân quan tâm, lo lắng, bất bình chính là mức độ tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, tính phức tạp và tác hại của nó ngày một lớn.

Một thực tế cho thấy, mặc dù Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp quyết liệt, nhưng vẫn có không ít vụ tham nhũng lớn liên tiếp xảy ra. Tình trạng tham nhũng hiện nay báo động tính chất nghiêm trọng của sự thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền, trong đó có những cán bộ, đảng viên cấp cao.

Vấn đề tham nhũng, tiêu cực hiện nay diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, có tính tổ chức chặt chẽ, móc nối chằng chịt trên, dưới, trong, ngoài và thường có “ô dù” che chắn, tạo dựng được thế lực, quyền lực, thao túng, công khai thách thức pháp luật và dư luận. Hậu quả do tham nhũng gây ra không chỉ làm thiệt hại lớn tiền bạc, tài sản của Nhà nước, của nhân dân mà còn làm đảo lộn những giá trị chuẩn mực về đạo đức, làm vẩn đục các mối quan hệ xã hội; làm cho nhân dân mất niềm tin, thậm chí oán trách Đảng và Nhà nước.

Với tính chất nghiêm trọng và đòi hỏi bức xúc của toàn xã hội, Đảng đã xác định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả cao, hơn lúc nào hết, phải dựa vào quần chúng, phát động quần chúng mạnh dạn tố giác, đấu tranh chống lại tham nhũng, tiêu cực. Bởi vì, không có hành vi tham nhũng, tiêu cực nào lại có thể qua được tai, mắt của quần chúng nhân dân.

Tuy nhiên, để nhân dân tin tưởng, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả thì thực tế về phía Nhà nước cũng phải có những cơ chế, biện pháp, tạo điều kiện cho người dân có thể giám sát, phát huy vai trò của mình. Muốn vậy, công tác cải cách hành chính phải cần được đẩy mạnh, làm cho bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Cơ chế xin - cho và các thủ tục hành chính rườm rà, sách nhiễu nhân dân cần phải được xóa bỏ triệt để. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm kê, kiểm soát cần được tăng cường, gắn với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, nhất là vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị, xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc.

Các vụ việc nổi cộm có liên quan đến tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, dù người đó là ai, ở cương vị nào phải được tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, dứt điểm, tạo lòng tin trong nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): Phát huy vai trò của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO