Tăng cường phản biện xã hội theo chuyên đề cụ thể

Hoàng Hoài thực hiện| 15/02/2019 09:43

Thời gian qua, công tác phản biện xã hội đã được Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, những phản biện xã hội mang tính chuyên đề cụ thể lại chưa thực hiện được. Về vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Điểu Xuân Hùng, UVTVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh.

ADQuảng cáo

Ông Điểu Xuân Hùng

PV: Xin ông cho biết, thời gian qua công tác phản biện xã hội đã được Mặt trận các cấp tỉnh thực hiện như thế nào?

Ông Điểu Xuân Hùng: Trước đây, việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên chưa thường xuyên, hiệu quả còn hạn chế do chưa có văn bản nào quy định cụ thể. Từ khi thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thì việc giám sát và phản biện xã hội trở thành một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cụ thể như việc tổ chức cho MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia góp ý xây dựng Đảng, góp ý với đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng.

Trong năm 5 qua, toàn tỉnh đã có trên 1.300 lượt ý kiến góp ý tham gia vào các dự thảo văn kiện Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; gần 900 lượt ý kiến đóng góp cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII; 3.015 ý kiến tham gia các dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)...

PV: Mặc dù Quyết định 217 đã triển khai được hơn 5 năm, nhưng MTTQ tỉnh vẫn chưa có những phản biện xã hội chuyên đề, vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Ông Điểu Xuân Hùng: Việc thực hiện công tác phản biện xã hội theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị, bước đầu đã được Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức thực hiện ở hình thức thứ nhất là góp ý vào dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền gửi đến để lấy ý kiến phản biện của MTTQ. Thế nhưng, Mặt trận vẫn chưa thực hiện được các cuộc phản biện xã hội chuyên đề. Nguyên nhân là do các cơ quan soạn thảo văn bản gửi cho Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội quá gấp, thường trong khoảng 3 ngày là phải có ý kiến phản hồi, trong khi đó cần phải có những người có chuyên môn để nghiên cứu, xem xét. Làm vội vàng thì việc góp ý sẽ không thể sâu sắc, cụ thể.

Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác phản biện xã hội còn có mặt hạn chế, thiếu kinh nghiệm. Các cuộc phản biện, Mặt trận cũng chưa huy động được các chuyên gia đầu ngành để tham gia phản biện. Hơn nữa, hiện nay, công tác phản biện xã hội là một việc mới, vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm, nên việc tổ chức hội nghị phản biện xã hội chuyên đề rất khó.

ADQuảng cáo

PV: Tại buổi giao ban định kỳ công tác mặt trận, dân vận mới đây, Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu cần phải tăng cường công tác phản biện xã hội theo chuyên đề. Vậy để thực hiện yêu cầu này, Mặt trận cần làm gì thưa ông?

Ông Điểu Xuân Hùng: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh xác định triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau.

Một là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt nội dung theo quyết định, quy chế, quy định, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác giám sát, phản biện xã hội và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người dân biết và thực hiện.

Hai là, định kỳ hàng năm, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế ở địa phương, kịp thời bổ sung nội dung phản biện xã hội (khi có yêu cầu). MTTQ các cấp chủ trì, phối hợp với các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp thống nhất xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội theo từng năm trình cấp ủy cùng cấp phê duyệt, triển khai thực hiện theo quy định; phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức đối thoại mỗi năm 1 lần đối với cấp tỉnh, cấp huyện và với xã, thị trấn giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp với người dân.

Ba là, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở báo cáo kịp thời kết quả giám sát và phản biện xã hội, các nội dung tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Nhân dân cho cấp ủy, chính quyền; xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội. Thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở.

Bốn là, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội từ tỉnh đến cơ sở có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc tiếp thu và khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm, kiến nghị đề xuất sau giám sát; gắn việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, kiến nghị, đề xuất sau giám sát với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn nhiệm vụ công tác giám sát, phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với việc sơ kết, tổng kết công tác MTTQ các đoàn thể chính trị - xã hội hàng năm.

Năm là, hàng năm UBND các cấp bố trí kinh phí để Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quy chế, Quy định của Bộ Chính trị.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường phản biện xã hội theo chuyên đề cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO