Sức sống của Cách mạng tháng Mười và học thuyết Chủ nghĩa Mác - Lênin

Đoàn Văn Kỳ| 05/10/2017 10:08

Vào cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Những thành quả trong thực tiễn của CNXH xây dựng hơn 70 năm qua ở các nước này bị xóa bỏ. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế rơi vào khủng hoảng về mọi mặt. Chủ nghĩa Mác - Lênin đứng trước thách thức nghiêm trọng.

ADQuảng cáo

Một số đảng viên đảng cộng sản ở nhiều nước trên thế giới hoài nghi, hoang mang, lo sợ về học thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin và con đường đi lên xây dựng CNXH. Xu hướng chuyển dịch quan điểm chính trị, sự xáo trộn về tư tưởng diễn ra trên phạm vi nhiều nước trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, các thế lực thù địch ra sức công kích, phủ nhận tính khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, rêu rao về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, nhằm kích động các cuộc “cách mạng màu”, thực hiện “diễn biến hòa bình”, xúi giục “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây bạo loạn lật đổ tại các nước vẫn do Đảng Cộng sản nắm quyền; tạo ra một hiệu ứng xấu trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Lãnh tụ Đảng Bolshevich V. I. Lenin tuyên bố thành lập chính quyền Xô Viết tại Đại hội Xô Viết toàn Nga ngày 7/11/1917 tại điện Smolnya, ngay sau khi chiếm Cung điện mùa Đông. Ảnh tư liệu

Các thế lực thù địch tin rằng, sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã đặt dấu chấm hết đối với chủ nghĩa Mác – Lênin sau hơn 150 năm tồn tại; phủ nhận ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng tháng Mười, tuyên bố về “sự cáo chung” của CNXH hiện thực; cho rằng nghĩa Mác - Lênin là giáo điều, lạc hậu. Chúng cố tình đồng nhất sự sụp đổ của mô hình CNXH hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô với sự thất bại của chủ nghĩa Mác - Lênin, sai lầm của Cách mạng tháng Mười. Chúng đưa ra nhiều lý thuyết về “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, “chủ nghĩa xã hội phi mác-xít”...; ca ngợi “tính đúng đắn” của chủ nghĩa cải lương tư sản; phủ nhận vai trò Đảng Cộng sản, đòi “đa nguyên, đa đảng”...

Chủ nghĩa tư bản (CNTB) vượt qua khủng hoảng vào thập kỷ 70 của thế kỷ XX; đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học – công nghệ lần thứ 3, mở ra tiềm năng cuộc cách mạng khoa học – công nghệ lần thứ tư; thắng thế trong “chiến tranh lạnh”, cùng với việc tạo ra quá trình toàn cầu hóa, lôi kéo được nhiều nước trên thế giới tham gia. Vì vậy, trong những thập niên gần đây, CNTB do có những điều chỉnh, cải cách về kinh tế, xã hội, tận dụng được những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và quản lý xã hội để thích nghi với tình hình mới, đạt được những thành tựu kinh tế nhất định. Do vậy, chúng ngộ nhận CNTB là tương lai của xã hội loài người.

ADQuảng cáo

Về thực chất, CNTB càng phát triển thì bản chất bóc lột của nó ngày càng được bộc lộ một cách tinh vi hơn; các mâu thuẫn, xung đột và khuyết tật cố hữu của nó không cải biến mà ngày càng thêm trầm trọng hơn; CNTB với mục đích lợi nhuận không giới hạn, tầm hạn chế của hệ tư tưởng tư sản thì không thể giải quyết được những mâu thuẫn mang tính cố hữu, bản chất của nó. Dĩ nhiên, CNTB không phải là mô hình lý tưởng, càng không thể là tương lai của xã hội loài người vươn tới.

Sự sụp đổ của hệ thống CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân bao trùm nhất là bắt nguồn từ việc xa rời nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lênin về thực tiễn mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thế nhưng, tầm vóc thời đại của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười và học thuyết cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn mãi là chân lý, mục tiêu, lý tưởng của nhân loại vươn tới.

Từ lý luận và thực tiễn đấu tranh cách mạng, xây dựng CNXH trên thế giới những năm qua đã bác bỏ những luận điệu thù địch, xuyên tạc nói trên. Con đường đi lên CNXH dẫu rằng có nhiều quanh co, phức tạp, thăng trầm, nhưng xu thế vận động khách quan của lịch sử mà Cách mạng tháng Mười vạch ra không hề thay đổi. Sự chống phá của các thế lực thù địch trên các lĩnh vực của đời sống xã hội là quyết liệt với các phương thức, thủ đoạn rất thâm độc, để xâm nhập trận địa tư tưởng, đạo đức, lối sống, làm suy giảm lòng tin của quần chúng vào Đảng Cộng sản, chế độ XHCN. Những tổn thất do kẻ thù gây ra trong thời gian qua là vô cùng to lớn, nhưng xu thế vận động khách quan của lịch sử mà học thuyết chủ nghĩa Mác – Lênin, thực tiễn Cách mạng tháng Mười vạch ra không hề thay đổi, sự thắng lợi của CNXH đối với CNTB là không thể đảo ngược.

Hiện nay, giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác – Lênin, Cách mạng tháng Mười vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước đang kiên trì con đường đi lên xây dựng CNXH, như: Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cuba,... Những thành tựu to lớn ở các nước xã hội chủ nghĩa nói chung, Việt Nam nói riêng đang là nhân tố thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi, phát triển của phong trào cách mạng trên thế giới.

Các phong trào cánh tả ở Tây Âu và Mỹ La Tinh, chính phủ nhiều nước do các đảng cánh tả cầm quyền tuyên bố xây dựng đất nước theo mô hình “chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”. Mấu chốt của sự thành công này Đảng ta đã chỉ ra, là việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta; kết hợp hài hòa các quy luật kinh tế thị trường với các nguyên lý của CNXH; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN với mở cửa và hội nhập quốc tế; giữa việc củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản với vai trò xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống của Cách mạng tháng Mười và học thuyết Chủ nghĩa Mác - Lênin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO