Sự hi sinh thầm lặng, lớn lao của mẹ Xuân

Lam Giang| 22/01/2015 09:45

Trong đợt phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng” cuối năm 2014, tỉnh ta có 5 mẹ, trong đó có mẹ Nguyễn Thị Xuân (SN 1937), quê quán huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), hiện cư trú tại thôn 2, xã Đắk Lao (Đắk Mil) là còn sống.

Có dịp đến thăm, nghe mẹ kể chuyện chồng, con, mới thấy sự hi sinh của mẹ cho Tổ quốc thật lớn lao. Năm nay đã bước sang tuổi 78, đôi mắt mẹ đã mờ, ký ức không còn rõ nét, nhưng những kỷ niệm về những năm chống Mỹ cứu nước cũng như về người chồng là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Miên (hi sinh năm 1968) và người con là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (hi sinh năm 1973) không hề phai nhạt.

Mẹ Nguyễn Thị Xuân kể cho cháu gái về những kỷ vật của ông và bác

Khi nhắc đến chồng, mẹ Xuân bồi hồi, sinh ra trong gia đình vốn có truyền thống yêu nước, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chồng mẹ tham gia kháng chiến từ rất sớm. Biết được việc làm của chồng, mẹ không hề sợ mà luôn là hậu phương vững chắc để ông yên tâm hoạt động.

Đến năm 1968, nhận tin dữ báo về, lòng mẹ đau xót vô cùng. Càng xót xa hơn vì thời buổi chiến tranh, đám tang cho chồng cũng không được trọn vẹn.

Mẹ Xuân nhớ lại: “Ngày lên đường, ông vẫn vui vẻ nói mẹ yên tâm, hòa bình sẽ về, cùng mẹ chăm sóc các con, vậy mà…Ông hi sinh khi đứa con út vừa tròn mấy tháng tuổi”.

Còn khi nhắc đến anh Nguyễn Ngọc Thiện, đôi mắt của mẹ lại nhòe lệ, nhìn xa xăm. Mẹ Xuân có 3 người con thì anh Thiện là con trai cả. Trong ký ức của mẹ thì anh Thiện rất ngoan hiền và có hiếu với mẹ. Là con trưởng, nên ngay từ bé anh Thiện đã biết giúp mẹ công việc nhà cửa, đồng áng, trông nom các em. Nhưng khi vừa lớn lên, anh Thiện đã trốn mẹ lên rừng theo du kích, với quyết tâm đánh giặc, cứu nước và trả thù cho cha.

Nhưng vui mừng vì con đã trưởng thành chưa được bao lâu, thì một lần nữa mẹ lại nhận tin dữ. Năm 1973, trong lúc cùng đồng đội làm nhiệm vụ, anh Thiện đã hi sinh trong một trận càn của địch. Nén lại nỗi đau thương mất mát, một mặt mẹ tần tảo chăm lo cho gia đình, mặt khác, mẹ đào hầm xung quanh nhà để giấu vũ khí, nuôi cán bộ cách mạng, làm thông tin liên lạc.

Dưới đôi tay đảm đang, khéo léo của người mẹ kiên trung, khoai, lúa trên cánh đồng vẫn tươi xanh, góp phần cung cấp lương thực cho cách mạng. Những năm tháng gian khổ ấy, giặc thường xuyên lùng sục, bắt bớ người dân trong vùng vì theo cách mạng. Một lần, chúng bắt mẹ để tra khảo nơi cất giấu vũ khí, che giấu cán bộ, du kích, nhưng mẹ một mực không khai báo.

Khi hòa bình lập lại, vui với niềm vui chiến thắng bao nhiêu thì mặc dù chưa nguôi ngoai với nỗi mất mát lớn lao, nhưng mẹ cũng cảm thấy tự hào bấy nhiêu khi có cả chồng, con cùng đóng góp máu xương cho cách mạng, dân tộc. Niềm an ủi lớn nhất của mẹ trong những năm qua đó là đã tìm được hài cốt của cả chồng, con để đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức.

Mẹ Xuân tâm sự: “Được Đảng, Nhà nước ghi nhận, vinh danh như thế này, không chỉ mẹ mà các con cháu trong gia đình đều cảm động, vinh dự và tự hào lắm. Ở vào cái tuổi gần 80 như mẹ thì chẳng còn mong muốn gì hơn là được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của các cấp chính quyền, bà con lối xóm. Chắc giờ này ở dưới “suối vàng”, ông Miên và thằng Thiện cũng cảm thấy ấm lòng...”.

Còn anh Nguyễn Đức Xanh, con trai mẹ Xuân cũng nói: “Tôi luôn sống và chỉ bảo các con phải noi theo tấm gương kiên cường chiến đấu, dũng cảm hi sinh cho dân tộc của ông và bác. Tôi nghĩ rằng, các thế hệ con cháu sau này sẽ mãi luôn ghi nhớ, tiếp nối truyền thống anh dũng của cha ông, để phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự hi sinh thầm lặng, lớn lao của mẹ Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO