Sống tốt là cách tri ân thiết thực

Hưng Nguyên| 29/04/2016 14:25

Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại Đồi 722-Di tích lịch sử cấp quốc gia tọa lạc tại thôn Thọ Hoàng 4, xã Đắk Sắk (Đắk Mil).

Thời gian qua, di tích đã được xây dựng tôn tạo nhiều hạng mục, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, người dân cũng như tri ân công lao, những hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Vượng - nhân chứng lịch sử chỉ cho chúng tôi thấy những dấu vết hố bom còn sót lại minh chứng hùng hồn cho những trận đánh ác liệt nhất trong khu vực này. Ông kể tại đây, từ năm 1968 -1975, bộ đội chủ lực cùng với quân, dân địa phương đã nhiều lần phối hợp tấn công tiêu hao sinh lực địch, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến hành lang huyết mạch của ta trên địa bàn tỉnh Quảng Đức thông suốt. Trong đó, đáng ghi nhận là trận đánh ngày 9/3/1975 đã xóa sổ hoàn toàn cứ điểm địch ở Đắk Sắk, làm tiền đề tiến về giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975), mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 

Ông Vượng nói: “Những hố bom xung quanh Đồi 722 nay đã được phủ một màu xanh của cây rừng, cà phê, tiêu. Vùng đất đã được hồi sinh bởi những con người cần cù, chịu khó”.  

Nằm dưới chân Đồi 722, là khu dân cư  thôn Thọ Hoàng 4, xã Đắk Sắk. Thôn có 135 hộ, với 580 khẩu, thu nhập chính của người dân từ cà phê, tiêu và cây trồng ngắn ngày.

Ông Trần Hữu Minh, Trưởng thôn Thọ Hoàng 4, cho biết: Hầu hết người dân trong thôn đã có nhà xây kiên cố, thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/người/năm. Nhờ cần cù, chăm lo làm ăn, cuộc sống của người dân trên địa bàn đang đổi thay từng ngày. Điều đáng mừng nhất là người dân trong thôn luôn đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

Trong xây dựng nông thôn mới, bà con trong thôn đã đóng góp tiền để làm tuyến đường bê tông dài 400m. Bà con luôn hiểu rằng, có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay cũng là nhờ công ơn của các anh hùng liệt sĩ, trong đó có những người đã ngã xuống tại Đồi 722 này. Vì vậy, mọi người đều ra sức làm ăn, phát triển kinh tế, đoàn kết, chung sức xây dựng thôn xóm ngày càng tươi đẹp như là để không phụ lòng những người đã ngã xuống cho đất nước hôm nay.

Có lẽ với cảm nhận đó, trong phát triển kinh tế, hàng năm thôn có hàng chục nông dân sản xuất tiêu biểu được các cấp tuyên dương. Trong đó phải kể đến gia đình chị Trần Thị Hồng Lan, từ khó khăn, nhưng biết tính toán trong làm ăn, tích lũy, đến nay gia đình chị đã có 5 ha cà phê và là đầu mối trồng, cung cấp giống và thu mua chanh dây của người dân trên địa bàn. Hiện nay, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình chị Lan, trừ chi phí khoảng 500 triệu đồng.

Chị Lan tâm sự: “Tôi thường giúp người dân mua giống trả chậm, có thể thu hoạch rồi mới thu vốn. Mỗi người một khó khăn mình chia sẻ được với ai thì chia sẻ”.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Đình Lan, từ thiếu thốn trong những ngày đầu lập nghiệp, hiện nay đã xây dựng được mô hình kinh tế gồm 3 ha cà phê, 10 con heo thịt, 20 con nhím, mỗi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Ông Lan tâm sự: “Trên tinh thần tương trợ lẫn nhau, những người làm được mô hình hay, hiệu quả đã giúp đỡ về giống, vốn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho những hộ khó khăn để mọi người cùng nâng cao thu nhập cho gia đình mình”.

Ông Chu Ngọc Trường-một người dân thôn Thọ Hoàng 4, tâm sự: Sống bên cạnh địa điểm Di tích lịch sử cách mạng đáng tự hào, mỗi người dân đã và đang tự ý thức vươn lên, nâng cao đời sống, thu nhập cho gia đình mình, đoàn kết, giúp đỡ nhau để đưa địa phương ngày càng phát triển, giàu đẹp. Đó là “nén tâm hương”, là cách tri ân thiết thực nhất đối với các anh hùng liệt sĩ ở Đồi 722 đã anh dũng hi sinh cho những người còn sống hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống tốt là cách tri ân thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO