Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và 3 năm thực hiện Quyết định 673/QĐ-TTg: Kết quả và những hạn chế

Bình Minh| 16/04/2015 09:38

Hiện nay, toàn tỉnh có 120.350 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó 23.018 hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 5.427 hộ so với năm 2010, chiếm 41% so với tổng số hội viên nông dân. Công tác củng cố, xây dựng tổ chức hội đã có bước phát triển về lượng và chất.

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua 5 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, giai đoạn 2010-2020 (Kết luận 61) và Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn, giai đoạn 2011-2020 (Quyết định 673), cơ bản đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh nên bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

Trong những năm qua, để thực hiện có hiệu quả các chủ trương trên, ngoài việc ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, tỉnh đã tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sản xuất nông nghiệp hàng hóa, có sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước gắn sản xuất với tiêu dùng theo liên kết “4 nhà”. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 19 mô hình và hỗ trợ vật tư, cây, con giống cho hơn 800 hội viên nông dân, với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn cho 61 hộ gia đình lập dự án vay 943 triệu đồng để triển khai trồng cây công nghiệp, rau sạch, nuôi bò sinh sản, heo rừng lai; triển khai cho nông dân mua 15.900 tấn phân bón theo phương thức trả chậm, đồng thời phối hợp với Công ty TNHH Nestle Việt Nam tổ chức mua giống cây cà phê theo hình thức hỗ trợ 50% tiền giống và đã cấp 20.095 cây cà phê ghép, 9.650 cây cà phê thực sinh cho hội viên tiến hành tái canh.

Nhiều gia đình tại xã Trường Xuân (Đắk Song) được hỗ trợ về giống để tiến hành tái canh cà phê đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao.

Công tác đào tạo nghề cũng đã được chú trọng. Từ năm 2010-2014, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh đã triển khai 15 lớp đào tạo nghề cho 439 học viên tham gia, với tổng kinh phí là trên 743 triệu đồng. Các ngành nghề được đào tạo như kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi thú ý, tin học căn bản, dẫn tinh nhân tạo. Các huyện, thị hội cũng phối hợp tổ chức được 240 lớp dạy nghề cho 6.774 học viên tham gia. Công tác đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động quỹ hỗ trợ nông dân được chú trọng triển khai. Tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đến nay có gần 16 tỷ đồng và đã tiến hành giải ngân triển khai 56 dự án vay vốn cho hội viên nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, cải thiện đời sống cho người dân.

Qua 5 năm, toàn tỉnh đã phát triển mới được 4.019 hội viên, nâng tổng số hội viên đến cuối năm 2014 là 56.113 hội viên. Các cơ sở, chi, tổ hội hoạt động yếu kém được sắp xếp lại cho phù hợp nên chất lượng hoạt động ngày càng tăng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% huyện, thị ủy và 56/71 đảng ủy xã, phường, thị trấn đã thành lập được Ban Chỉ đạo Đề án 61 có quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm…

Tuy nhiên, hoạt động hiện thực hiện Kết luận số 61 và Quyết định số 673 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn không ít những hạn chế. Trong đó, một số cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành có liên quan vẫn chưa thực sự phát huy hết vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp với Hội Nông dân để triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương này của Đảng và Nhà nước. Hầu hết các huyện, thị xã chưa tạo cơ chế để hội nông dân các cấp trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 673 và Kế hoạch số 130/KH-UBND của UBND tủnh. Đến nay, huyện Đắk Song vẫn chưa bố trí kinh phí hàng năm cho quỹ hỗ trợ nông dân, còn tại Đắk Mil, Krông Nô tuy có bố trí kinh phí nhưng chỉ mới được thực hiện trong năm 2015. Việc bố trí cán bộ hội nông dân cấp cơ sở kiêm nhiệm khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông còn khó khăn, vướng mắc. Toàn tỉnh hiện mới chỉ bố trí được 19/71 khuyến nông viên và 312/768 cộng tác viên khuyến nông. Nhiều địa phương chỉ mới thực hiện được ban chỉ đạo thực hiện Kết luận số  61 và Quyết định số 673 sau khi tỉnh tiến hành kiểm tra nên hiệu quả hoạt động còn thấp…

Có thể nói, Kết luận số  61 và Quyết định số 673 có vai trò rất quan trọng của đối với sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh. Vì thế, việc nhanh chóng triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế cần sớm được thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và 3 năm thực hiện Quyết định 673/QĐ-TTg: Kết quả và những hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO