Sáp nhập thôn, tổ dân phố là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn hệ thống chính trị ở cơ sở

Tường Mạnh| 12/04/2019 10:11

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông về đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 414/KH-UBND ngày 9/8/2018 để triển khai, với tinh thần bảo đảm nội dung, quy trình việc tinh gọn bộ máy ở cơ sở.

ADQuảng cáo

Đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm hỏi, động viên đội ngũ cán bộ bon Jun Júh, xã Đức Minh (Đắk Mil). Ảnh: Phan Tân

Theo đó, mục đích của kế hoạch là đánh giá thực trạng về số lượng, chất lượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; đề xuất phương án sắp xếp lại đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, tăng cường bố trí kiêm nhiệm công việc và tăng mức phụ cấp phù hợp cho các đối tượng này; rà soát, sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đạt 50% tiêu chí về quy mô số hộ gia đình theo quy định.

Kế hoạch cũng yêu cầu việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố phải chú trọng đến các yếu tố về lịch sử truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện địa lý tự nhiên, cộng đồng dân cư để bảo đảm sự kế thừa, ổn định, tạo thuận lợi trong hoạt động tự quản của cộng đồng dân cư, hoạt động quản lý của Nhà nước, bảo đảm ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.

Việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố, tinh gọn đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố phải gắn với việc tăng chế độ phụ cấp và nâng cao chất lượng đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả của đội ngũ này. Việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương, thực hiện đúng quy trình thủ tục quy định.

Triển khai Kế hoạch 414, theo báo cáo số 70 ngày 20/3/2019 của Sở Nội vụ, hiện nay toàn tỉnh có tổng cộng 176 thôn, buôn, bon, tổ dân phố mà các huyện đề xuất điều chỉnh, sáp nhập (chưa có thị xã Gia Nghĩa). Hiện tại, UBND tỉnh đang xem xét, quyết định cho chủ trương sáp nhập các thôn, tổ dân phố. Vì vậy, chưa có đơn vị nào xây dựng đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố và thực hiện các trình tự thủ tục sáp nhập.

Sau khi có ý kiến chỉ đạo thống nhất chủ trương sáp nhập của UBND tỉnh, UBND cấp huyện, Sở Nội vụ sẽ tiến hành xây dựng Đề án, hồ sơ thủ tục để sáp nhập các thôn, tổ dân phố theo đúng quy định (hạn đến tháng 6/2019). Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ, đề án và trình UBND tỉnh xem xét từ tháng 7 đến tháng 9/2019. Sau đó, dự kiến UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh vào tháng 10/2019.

ADQuảng cáo

Có thể nói, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn hệ thống chính trị từ cơ sở, giảm số cán bộ không chuyên trách ở cơ sở cũng như nâng cao hoạt động quản lý ở thôn, tổ dân phố theo hình thức tự quản. Theo thống kê, hiện nay cả nước có hơn 135.000 thôn, tổ dân phố với gần 838.000 người hoạt động không chuyên trách, tức là bình quân 6,2 người trong một thôn, tổ dân phố. Tổng số lương hưu của cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố đã bao gồm bảo hiểm xã hội hơn 32.000 tỷ đồng/năm...

Qua những con số, có thể thấy kết cấu chính trị hết sức cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều tầng lớp trung gian, dẫn đến đội ngũ công chức, viên chức rất lớn nhưng hiệu lực, hiệu quả công việc còn hạn chế, đặc biệt là chiếm số lượng chi rất lớn. Trong thực tế, có nhiều công việc chồng chéo nhau, giữa việc nọ với việc kia, không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. Vì vậy, việc xác định, phân rõ trách nhiệm, tổ chức lại hệ thống chính trị theo hướng gọn nhẹ, tinh giản để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả là điều hết sức cần thiết.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong thời gian qua cả nước đã tiến hành sắp xếp lại từ bộ ngành, các địa phương. Đặc biệt, một số địa phương đã tiến hành sắp xếp thôn, xóm, tổ dân phố và sắp tới là xã, phường, huyện, tỉnh, nên chắc chắn sẽ tiết kiệm được rất nhiều về chi ngân sách, bảo đảm mục tiêu cuối cùng là hiệu lực, hiệu quả.

Chủ trương sáp nhập thôn, tổ dân phố là một chủ trương lớn, đúng đắn, nên cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, xây dựng phương án kỹ càng, tuyên truyền, vận động người dân hiểu được lợi ích của việc sáp nhập để tạo sự đồng thuận. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự thống nhất về nhận thức và thực hiện trong đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố về chủ trương sắp xếp, thôn, tổ dân phố và tinh gọn đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở.

Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, lấy kết quả việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố, tinh gọn đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Cùng với kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thì cũng phải kiểm điểm, phê bình những tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, cản trở việc thực hiện chủ trương trên.

Quá trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố và tinh gọn đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở xã, ở thôn, tổ dân phố cần quan tâm động viên, thuyết phục và giải quyết kịp thời chế độ, chính sách (nếu có) đối với những người dôi dư trong quá trình sắp xếp. Cùng với đánh giá, lựa chọn những người có năng lực, phẩm chất tốt để bố trí phân công các nhiệm vụ phù hợp, các địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở và việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố theo quy định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáp nhập thôn, tổ dân phố là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn hệ thống chính trị ở cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO