Quy định hợp đồng BT trong dự thảo luật phải đồng bộ với Luật Đấu thầu

Phan Tân| 28/05/2020 13:54

Sáng 28/5, ngày làm việc thứ 8 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sau khi nghe Tờ trình về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

ADQuảng cáo

Đại biểu Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, cùng các ĐBQH tỉnh, lãnh đạo một sở, ngành liên quan tham dự kỳ họp tại điểm cầu Đắk Nông.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia ngày làm việc thứ 8 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Tham gia thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, luật cần quy định hợp đồng BT trong dự thảo luật phải đồng bộ với Luật Đấu thầu. Cụ thể, về lĩnh vực đầu tư dự án PPP (khoản 1 Điều 4), đại biểu tán thành quy định về lĩnh vực đầu tư “nhà máy điện”, nhất là để thể chế hóa Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu kỹ quy định về lĩnh vực đầu tư “lưới điện”, bảo đảm thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật Điện lực là “Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”.

Về bảo đảm dự thầu (Điều 33) và bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án PPP (Điều 48) thì biện pháp bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng đang được quy định tại Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, so với Luật Đấu thầu hiện hành, dự thảo luật bổ sung đối tượng được cấp bảo lãnh bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án PPP là “doanh nghiệp bảo hiểm”. Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này cũng chỉ quy định bảo lãnh của ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án, mà không quy định bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm (Điều 43). Vì vậy ban soạn thảo cần phân tích thêm cơ sở pháp lý của việc bổ sung quy định này; đồng thời đánh giá tác động của việc bổ sung chính sách này, đặc biệt là đối với việc bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

ADQuảng cáo

Đối với hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT), theo đại biểu, về bản chất BT là hình thức mua sắm công thông thường mà Nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt mà thanh toán bằng tài sản công, quyền kinh doanh công trình (các dự án BT được thực hiện trong thời gian qua chủ yếu thanh toán bằng quyền sử dụng đất). Do vậy, dự án BT không đúng với bản chất đầu tư theo phương thức đối tác công tư.  Đồng thời, việc không thanh toán bằng tiền mặt nên rất khó công khai và minh bạch hóa trong khâu thẩm định, phê duyệt và chi trả cho chủ đầu tư, dễ tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. Thực tế thời gian qua, việc thực hiện hình thức hợp đồng BT đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc như chưa xác định chính xác giá trị công trình BT, giá trị quỹ đất thanh toán gây thất thoát tài sản Nhà nước, chưa bảo đảm công khai, minh bạch, cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Với 2 lý do trên, quy định hợp đồng BT trong dự thảo luật cần phải đồng bộ với Luật Đấu thầu và theo quy định tại Nghị định số 25 ngày 28/2/2020 của Chính phủ.

Đại biểu cũng tán thành với hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (Điều 87) của dự thảo luật. Bởi đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công (chỉ kiểm toán đối với phần tài chính công, tài sản công trong dự án PPP). Mặt khác, theo quy định tại Điều 87 của dự thảo luật thì một dự án PPP có thể được kiểm toán nhiều lần, nhưng ở các thời điểm khác nhau với mục đích khác nhau nên không có sự trùng lặp.

Hơn nữa, theo quy định tại Điều 10 của Luật Kiểm toán Nhà nước thì Kiểm toán Nhà nước “quyết định kế hoạch kiểm toán hằng năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện” nên đã có cơ chế giám sát của Quốc hội. Nếu luật quy định Kiểm toán Nhà nước đối với toàn bộ dự án thì các nhà đầu tư sẽ rất e ngại, khó thu hút được nhà đầu tư tham gia. Nếu quy định chỉ thực hiện 2 giai đoạn kiểm toán, gồm: kiểm toán việc tuân thủ các quy trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư và kiểm toán khi chuyển giao cho Nhà nước toàn bộ giá trị tài sản đối với các dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, BOO, BLT mà không kiểm toán khi hoàn thành dự án thì không có cơ sở để xem xét, đánh giá tính kinh tế và hiệu quả của dự án.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định hợp đồng BT trong dự thảo luật phải đồng bộ với Luật Đấu thầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO