Quốc hội thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi và Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi

Nguồn SGGP| 24/11/2014 18:41

Chiều nay, 24/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (KSND) sửa đổi và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Viện KSND sửa đổi; Luật tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi và Nghị quyết thi hành Luật tổ chức TAND sửa đổi.

Không quy định Viện KSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự

Về thời điểm bắt đầu thực hành quyền công tố, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi quy định Viện KSND bắt đầu thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm”. Luật cũng quy định, Cơ quan điều tra của Viện KSND tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. 

Về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của Viện KSND, luật quy định do ý kiến của các ĐBQH còn khác nhau, UBTV Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH. Kết quả có 197 phiếu tán thành việc quy định Viện KSND có quyền khởi tố vụ án dân sự; có 154 phiếu không tán thành.

Do ý kiến ĐBQH còn rất khác nhau, số phiếu tán thành nhận được không đạt quá bán so với tổng số ĐBQH, để bảo đảm thận trọng, UBTV đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ và đề nghị Quốc hội không quy định Viện KSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự.

Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Viện KSND sửa đổi nêu rõ, từ ngày 1/2/2015 đến ngày Luật tổ chức Viện KSND sửa đổi có hiệu lực, Viện trưởng Viện KSND tối cao có trách nhiệm rà soát, chuẩn bị về tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất và các điều kiện khác để bảo đảm hoạt động của Viện KSND các cấp theo quy định của Luật này. Kiểm sát viên Viện KSND tối cao hết nhiệm kỳ được kéo dài nhiệm kỳ cho đến khi được xem xét, bổ nhiệm theo quy định. Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp hết nhiệm kỳ được kéo dài nhiệm kỳ cho đến khi được xem xét, bổ nhiệm lại theo quy định của Luật này. Việc xem xét, bổ nhiệm lại các Kiểm sát viên này phải thực hiện xong trước ngày 30/9/2015.

Tòa  án có quyền trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung

Về vấn đề Tòa án thực hiện quyền tư pháp, Luật tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi bổ sung quy định: khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình thu thập, bổ sung chứng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Nghị quyết về thi hành luật tổ chức TAND sửa đổi nêu rõ, kể từ ngày 1/2/2015 đến ngày Luật tổ chức TAND (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Chánh án TAND tối cao có trách nhiệm rà soát, chuẩn bị về tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để bảo đảm hoạt động của TAND các cấp theo quy định của Luật tổ chức TAND (sửa đổi). Thẩm phán TAND tối cao hết nhiệm kỳ kể từ ngày 1/1/2014 tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến ngày 1/6/2015. Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp hết nhiệm kỳ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi được xem xét, bổ nhiệm theo quy định của Luật tổ chức TAND sửa đổi trước ngày 30/9/2015…

Tham gia Công ước LHQ về chống các hình thức tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người

Cũng trong chiều 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Trước đó, vào ngày 23/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình Quốc hội phê chuẩn Công ước chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Theo Chủ tịch nước, việc phê chuẩn Công ước này là bước hoàn thành thủ tục để Việt Nam trở thành thành viên của công ước. Tuy nhiên, khi phê chuẩn, Việt Nam tuyên bố: Không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Việc thực hiện các quy định của Công ước này sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi, có lại. Việt Nam không coi Công ước này là cơ sở pháp lý trực tiếp để dẫn độ mà thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam trên cơ sở Hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, hoặc nguyên tắc có đi, có lại…

Thảo luận về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, tờ trình của Chủ tịch nước và báo cáo của Chính phủ  là đúng với quy định của Hiến pháp. Đây là công ước mang tính nhân đạo, nhân văn cao nên nhiều nước trên thế giới đã phê chuẩn. Việc Việt Nam phê chuẩn là phù hợp. “Những gì chưa tương thích với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì đã được bảo lưu. Giải trình đã rõ, Quốc hội hoàn toàn yên tâm để thông qua Công ước này”, ông Đinh Xuân Thảo nói. ĐB Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) cũng đồng ý Quốc hội phê chuẩn công ước, trong đó có điều khoản bảo lưu về nội dung tra tấn, dẫn độ là phù hợp.

Tuy nhiên, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) lại cho rằng, chống bức cung, nhục hình là yêu cầu bức thiết hiện nay vì thực tế tồn tại nhiều trường hợp nghiêm trọng. “Lần này tham gia Công ước, lại đang sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, chúng ta cần luật hóa vấn đề chống bức cung, nhục hình. Vì vậy, không nên bảo lưu nội dung này. Chỉ nên bảo lưu về vấn đề dẫn độ và những gì liên quan đến thể chế chính trị”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu.

Hầu hết các ĐBQH đồng tình việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi và Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO