Quốc hội thông qua hai luật Căn cước công dân và Hộ tịch

Nguồn TTXVN| 20/11/2014 19:40

Chiều 20/11, với 381 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 76,66% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước công dân.

Cũng trong chiều 20/11, Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Luật Hộ tịch với tỷ lệ 76,65% số đại biểu tán thành.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật hộ tịch. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Luật Căn cước công dân là dự án Luật được bàn thảo tại Kỳ họp trước đây của Quốc hội và tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp qua các Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đây cũng là dự luật thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân với kỳ vọng tạo ra cuộc cải cách trong công tác quản lý nhà nước về dân cư; giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân theo hướng xây dựng mô hình quản lý hiện đại, tinh gọn.

Dự án Luật được thông qua sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc lập số định danh cá nhân cho mỗi công dân, bảo đảm tính khoa học, tính khả thi, căn cứ vào yêu cầu quản lý và phù hợp thực tiễn.

Liên quan chặt chẽ đến dự án Luật Căn cước công dân, việc Quốc hội thông qua dự án Luật Hộ tịch nhằm đảm bảo tính khả thi trong mối quan hệ chặt chẽ giữa hộ tịch, hộ khẩu và căn cước công dân.

Nếu như hộ tịch là những sự kiện quan trọng về nhân thân của công dân được Nhà nước ghi nhận và bảo vệ thì hộ khẩu và căn cước công dân chủ yếu để phục vụ công tác quản lý xã hội.

Dự thảo Luật Hộ tịch được thông qua trên cơ sở rà soát với các văn bản luật khác (Bộ luật Dân sự, Luật Quốc tịch, dự án Luật Căn cước công dân…) nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh chồng chéo, trùng lặp về quản lý dân cư giữa các bộ, ngành, gây lãng phí cho Nhà nước và phiền hà cho người dân.

* Cũng trong chiều 20/11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Tại Kỳ họp thứ 7, thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội đã góp ý, dự thảo lần này đã tiếp thu, hoàn chỉnh các nội dung: Phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; thủ tục, quy trình lấy phiếu và hệ quả sau khi lấy phiếu tín nhiệm.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội khẳng định, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm là hết sức cần thiết và hiệu quả, thể hiện vai trò giám sát tối cao của Quốc hội và được đông đảo cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội về tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo bao nhiêu mức và thời hạn lấy phiếu tín nhiệm trong một nhiệm kỳ.

Buổi thảo luận cũng ghi nhận một số ý kiến khác của các đại biểu đề nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với cả các đối tượng giám đốc các sở, ngành ở Hội đồng Nhân dân tỉnh; các trưởng phòng cấp huyện; đề nghị bổ sung quy định người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tàn sản, báo cáo thu nhập của mình.

Về hệ quả lấy phiếu, các đại biểu đồng tình với việc đối với người được lấy phiếu có quá nửa số phiếu tín nhiệm thấp thì có thể thực hiện văn hóa từ chức, nhưng cũng đề nghị Quốc hội có quy định trong trường hợp người thuộc diện này không từ chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua hai luật Căn cước công dân và Hộ tịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO