Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi)

T.D (t.h)| 24/11/2015 14:22

Cuối giờ sáng 24/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật dân sự (BLDS) sửa đổi.

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội (TVQH) cho thấy, về chuyển đổi giới tính (Điều 37), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị quy định trong BLDS việc Nhà nước công nhận quyền chuyển đổi giới tính. Một số ý kiến tán thành với Dự thảo theo hướng việc chuyển đổi giới tính sẽ được thực hiện theo quy định của luật. Một số ý kiến ĐBQH đề nghị cung cấp thêm thông tin về thực tiễn và nhu cầu chuyển đổi giới tính để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi). Ảnh Lã Anh

Về vấn đề này, TVQH cho rằng, việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác. Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.

Với tinh thần đó, trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH, TVQH đề nghị Quốc hội cho tách quy định về chuyển đổi giới tính thành một Điều và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

 Về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (các điều 23, 46, 57, 58, 59), kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH cho thấy, có 203/366 phiếu tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Do đó, TVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong BLDS, đồng thời chỉnh sửa lại các quy định của dự thảo BLDS về cơ chế giám hộ đối với người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cho khả thi hơn, phù hợp với thực tiễn.

Về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 420),  TVQH cho rằng, về nguyên tắc, việc giao kết, thực hiện hợp đồng phải dựa trên ý chí tự do, tự nguyện của các bên. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp do những lý do khách quan dẫn đến hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức mà việc tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên; bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng nhưng không thể ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại và nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng đó sẽ dẫn tới nguy cơ phá sản. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH cho thấy, có 251/366 phiếu tán thành với loại ý kiến thứ nhất. Trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH, TVQH đề nghị Quốc hội cho được giữ nội dung này và chỉnh lý chặt chẽ như trong Dự thảo.

Về lãi suất (Điều 468), loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong BLDS là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. TVQH tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về mức lãi suất tối đa; kết quả 278/366 phiếu tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong BLDS tối đa là 20%/năm của khoản tiền vay. Vì vậy, TVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH và chỉnh lý nội dung này tại khoản 1 Điều 468 cho bảo đảm tính khái quát, khả thi như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, TVQH quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”. Do khoản 1 Điều 468 đã được chỉnh lý như trên theo hướng không sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, nên TVQH đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều 468 về mức lãi suất ấn định trong hợp đồng vay có lãi nhưng các bên không có thỏa thuận rõ về lãi suất dẫn đến tranh chấp như sau: “Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”

Về di chúc chung vợ chồng (các điều 641, 642 và 646), có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ quy định về di chúc chung vợ chồng của BLDS hiện hành, bởi vì di chúc là ý chí của cá nhân, việc quy định vợ chồng lập di chúc chung rất phức tạp trên thực tế khi xác định thời điểm mở thừa kế, hiệu lực của di chúc chung và giải quyết tranh chấp. Kinh nghiệm pháp luật quốc tế cũng không có quy định về di chúc chung vợ chồng. Do đó, TVQH đề nghị bỏ các điều 641, 642 và 646 về di chúc chung vợ chồng, sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung vợ chồng và hiệu lực của di chúc chung vợ chồng.

* Trước đó, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Về Ngày bầu cử, theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì Quốc hội quyết định Ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử.

Căn cứ quy định nêu trên của pháp luật và trên cơ sở tổng kết các cuộc bầu cử gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là Chủ nhật, ngày 22/5/2016.

Về việc công bố Ngày bầu cử, căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trước ngày bầu cử 115 ngày.

Về việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, căn cứ Điều 117 của Hiến pháp và Điều 12 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng Bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập có từ 15-21 thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu, miễn nhiệm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo và tính đại diện của Hội đồng Bầu cử quốc gia, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm tổ chức, hoạt động của Hội đồng Bầu cử ở Trung ương trong công tác bầu cử một số nhiệm kỳ gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội việc thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia với số lượng và cơ cấu như sau:

Về số lượng, cơ cấu, thành phần Hội đồng Bầu cử quốc gia

Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Bầu cử quốc gia theo quy định của Luật Bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định số lượng của Hội đồng Bầu cử quốc gia là 21 thành viên.

Cơ cấu Hội đồng Bầu cử quốc gia có đại diện của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, gồm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia là Chủ tịch Quốc hội; bốn Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm một Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, một Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 16 Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm ba Phó Chủ tịch Quốc hội (để trực tiếp phụ trách ba Tiểu ban của Hội đồng), Trưởng ban Tổ chức trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban công tác đại biểu, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Về nhân sự Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia

Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội trân trọng giới thiệu ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Ngay sau khi nghe Tờ trình, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết về Ngày bầu cử và việc quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia.

100% đại biểu Quốc hội có mặt đã tán thành ngày Chủ nhật, 22/5/2016 là Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

100% đại biểu có mặt đã tán thành thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia với số lượng, cơ cấu, thành phần Hội đồng Bầu cử quốc gia như Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO