Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

dangcongsan.vn| 26/05/2018 06:39

Đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ ấn tượng với kết quả tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38%, vượt chỉ tiêu đề ra; song cho rằng, cần xem xét lại chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng có thực sự bền vững?

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, trong đó kết hợp thảo luận về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Trong phiên họp, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường sáng 25/5

Mở rộng đấu giá biển số xe đẹp

Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) bày tỏ ấn tượng với kết quả tăng trưởng GDP quý I/2018 đạt 7,38%. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong xây dựng văn bản pháp luật còn nhiều vấn đề chưa phản ánh đúng thực tế, chưa thể hiện nguyện vọng của cử tri. Việc chậm ban hành các chính sách pháp luật gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Ví dụ như: Luật Quản lý tài sản công được Quốc hội khóa XIV quy định phải coi kho số điện thoại, biển số xe là tài sản quốc gia. Tuy nhiên, việc đấu giá biển số xe khi Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn lại chưa thu được đúng giá trị có thể đem lại.

Theo đại biểu, nếu đấu giá biển số xe đẹp có thể thu về 5.000 tỷ đồng. Theo tính toán, có tới 12% biển số xe thuộc loại đẹp, có thể mang bán đấu giá. Tuy nhiên, khi xây dựng dự thảo Nghị định đấu giá biển số xe, Chính phủ chỉ đấu giá những biển có 5 số trùng nhau, 4 số trùng nhau, 3 số trùng nhau… Như vậy chỉ được khoảng 1% tổng kho số.

"Như vậy, từ 12% biển số xe đẹp của dự thảo luật khi đến nghị định chỉ còn 1%. Khi cụ thể hóa chỉ thu được vài chục tỷ đồng so với con số 5.000 tỷ đồng. Tôi kiến nghị khi giao cho Chính phủ cụ thể hóa luật trong các nghị định; bộ, ngành trong các thông tư, Chính phủ cần cho đại biểu giám sát, theo đến cùng các vấn đề đại biểu quan tâm, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống", đại biểu Cảnh nói.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, từ chỗ có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm thì khi vào chính sách chỉ thu vài chục tỷ đồng, rất lãng phí. Theo đó, đại biểu đề nghị cho đấu giá với kho số đẹp được mở rộng hơn.

Tăng trưởng có thực sự bền vững?

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nhìn nhận bức tranh kinh tế sáng, tạo niềm tin cho cử tri, tạo đà cho những năm tiếp theo. Tuy nhiên cần xem xét lại chất lượng tăng trưởng, tăng trưởng có thực sự bền vững; tỷ trọng bền vững giữa các khu vực, thành phần như thế nào? Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng có sự tăng trưởng, tính bền vững ra sao?

Chính phủ cần phân tích sâu vấn đề tăng trưởng GDP, chất lượng tăng trưởng để Quốc hội hiểu hơn, làm thế nào để đảm bảo tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Đề cập tới vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2018, đại biểu Xuân cho rằng, việc Chính phủ nêu "do những tháng đầu năm vướng nhiều ngày nghỉ lễ" là chưa thoả đáng, cần đánh giá đầy đủ hơn. "Phải làm rõ do quản lý yếu kém hay cơ chế chính sách và từ đó đề xuất giải pháp mạnh để khắc phục thời gian tới", đại biểu Xuân nêu.

Ấn tượng với sự phát triển, nhưng cũng cần lưu ý “những khoảng lặng của tăng trưởng kinh tế”

Cho rằng kinh tế đã có sự phát triển ngoạn mục năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tuy nhiên, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lưu ý một số vấn đề mà ông cho là "những khoảng lặng của tăng trưởng".

Cụ thể, đại biểu Hàm đồng ý với báo cáo Chính phủ là: Tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô. Năm 2017, công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song, cũng trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.

"Theo tính toán, 1 triệu tấn dầu góp 0,2 - 0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4 - 6,6% (thay vì 6,81%), Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", đại biểu Hàm nói.

Ngoài ra, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, với nền kinh tế đang khát khao vươn lên như Việt Nam, việc quy mô GDP 2017 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng là còn khiêm tốn, không đạt như kỳ vọng đề ra từ cách đây 2 năm. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm, nhưng nhân tố tạo bứt phá không được duy trì bền vững nên dự báo quý sau sẽ giảm dần.

Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng tỷ lệ gia công, lắp ráp trong ngành chế biến, chế tạo rất lớn. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đang chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI; Samsung và Formosa góp hơn 40% tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo; doanh nghiệp FDI chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu, 66% nhập khẩu.

"Mối liên kết cũng như việc chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI với trong nước chưa đạt như mong muốn", đại biểu Hàm nhấn mạnh.

Đánh giá các giải pháp Chính phủ đưa ra trong báo cáo "căn cơ, toàn diện", nhưng đại biểu cho rằng, với nguồn lực có hạn thì giải pháp cần có ưu tiên, tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics, thu hút FDI theo hướng lựa chọn, liên kết với doanh nghiệp trong nước; phân bổ vốn hợp lý theo ngành, vùng và có chính sách tài chính phù hợp...

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phát biểu tại hội trường sáng 25/5

Tranh luận với đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) về việc tăng trưởng phụ thuộc dầu thô, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, riêng năm 2017 khai thác nhiều hơn kế hoạch khoảng 200.000 tấn; còn nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn. Về than, năm 2016 khai thác 38,73 triệu tấn than, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn nhưng thực khai thác chỉ 38,2 triệu tấn.

Dẫn số liệu Chính phủ gửi, đại biểu Chiểu nhấn mạnh quan điểm của mình là "ấn tượng với năm 2017, năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên, khai khoáng".

Quyết liệt xử lý các vấn đề xã hội bức xúc

Đánh giá cao thành tích phát triển kinh tế năm 2017 và đầu năm 2018, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng chia sẻ những điểm tích cực về kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng làm “nức lòng cử tri cả nước”...

Tuy nhiên, đại biểu Cầu cho rằng, từ thực tiễn cuộc sống, cử tri đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần phải làm nhiều hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn các vấn đề bức xúc.

Đề cập đến vấn đề đạo đức, kỷ cương phép nước, đại biểu Cầu nói, thời gian gần đây vẫn xảy ra những chuyện khó tin, mất nhân tính như: Thuốc chữa ung thư làm từ bột than, phế phẩm cà phê nhuộm than pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giẻ lau bảng, thảm án chết nhiều người...

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, cần phải có biện pháp xử lý cứng rắn, mạnh tay, trừng trị các hành vi mất nhân tính...

Không quan tâm đến văn hóa thì phát triển kinh tế là vô nghĩa

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) bày tỏ, có ý kiến cử tri cho rằng phát triển kinh tế chưa song hành với văn hóa, Chính phủ cần bình luận về vấn đề này. Cử tri kiến nghị, cần dùng văn hóa để tuyên truyền, giáo dục, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đây là yêu cầu bức xúc, khi những vấn đề đạo đức bị xói mòn, tiềm ẩn nguy cơ trong xã hội.

Theo đại biểu Lưu Thành Công, kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến văn hóa thì chúng ta tự đánh mất mình, việc phát triển kinh tế là vô nghĩa. Nếu làm tốt vấn đề này có thể khắc phục được các vấn đề tiêu cực trong mối quan hệ giữa người với người, bệnh vô cảm, giảm tệ nạn xã hội, việc quản lý Nhà nước dễ dàng hơn.

Cũng đề cập đến lĩnh vực văn hóa, đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, đời sống văn hóa của công nhân ở các khu công nghiệp hiện khá đơn điệu; sự tiếp cận, mức hưởng thụ các sản phẩm văn hóa của công nhân là không đáng kể; đời sống văn hóa của công nhân và tăng trưởng kinh tế của doanh nghiệp dường như tỷ lệ nghịch với nhau…

Để bảo đảm mục tiêu phát triển con người toàn diện, phát triển đời sống vật chất hài hòa với phát triển đời sống tinh thần, đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị, Chính phủ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách để phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn cơ sở trong bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người công nhân; tạo điều kiện thuận lợi để người công nhân được tiếp cận các sản phẩm văn hóa, tham gia nhiều hơn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh sắp xếp, tinh giản biên chế, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ…

* Chiều 25/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Trong phiên thảo luận buổi chiều, các đại biểu Quốc hội cơ bản bày tỏ nhất trí với các nội dung trong báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; đồng thời đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong 2017 và 4 tháng đầu năm 2018. Với tốc độ tăng trưởng GDP khởi sắc, nền kinh tế chuyển dịch năng động, nông lâm nghiệp tăng trưởng ấn tượng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại đều thặng dư so với các năm trước đây… Các đại biểu Quốc hội tin tưởng trong năm 2018, kinh tế- xã hội của nước ta tiếp tục có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Cùng với những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, tình hình văn hóa, xã hội, môi trường của nước ta cũng đạt nhiều kết quả đáng chú ý. Các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công. Việc hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, vùng bị thiên tai được triển khai thiết thực, hiệu quả. Trong 4 tháng đầu năm 2018, đã giải quyết việc làm cho khoảng 500 nghìn lao động, trong đó đưa khoảng 40 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt trên 87%. Hệ thống giáo dục của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới được đánh giá nằm trong top 10 hàng đầu khu vực… Nhiều đại biểu cho rằng: Để tăng trưởng bền vững, Chính phủ cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế theo hướng tăng cường xúc tiến thương mại nội lực, phát triển thị trường nội địa trong nước. Bên cạnh đó, mặc dù đầu tư nước ngoài đóng góp vào kinh tế của đất nước trên 20% GDP, 24% tổng vốn đầu tư xã hội, 72% kim ngạch xuất khẩu và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Song lại tồn tại vấn đề cần phải khắc phục như vấn đề môi trường, chuyển giá, gian lận thương mại, những việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ... 

Phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho rằng nông nghiệp giai đoạn vừa qua đứng trước 2 cái nhất. Thứ nhất là thách thức lớn nhất với 3 yếu tố cụ thể: Nông nghiệp phải tiến lên hiện đại từ một nền nông nghiệp hộ nhỏ lẻ phân tán; biến đổi khí hậu lớn nhất của nhân loại và hội nhập quốc tế sâu rộng lớn nhất.

Thứ hai là ngành Nông nghiệp đón nhận sự ủng hộ quan tâm đồng bộ, chỉ đạo xuyên suốt nhất của cả hệ thống chính trị, từ cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các thành phần kinh tế và toàn dân. Chính điều này tạo ra sự lan tỏa.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu hàng loạt dẫn chứng như trong 2 năm qua, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tăng từ con số 3.700 lên 7.620, cùng với 12.000 hợp tác xã và 33.000 hộ trang trại đã tạo nên kết quả ban đầu quan trọng, có tính chất tiền đề. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 4,05%, là tốc độ tăng trưởng lớn nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu nông sản được mở rộng tới 180 nước với nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... Giá trị tuyệt đối của nông sản tăng (dự báo năm 2018 có thể vượt 40 tỷ USD). 3 nhóm sản phẩm trong nội dung tái cơ cấu quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm cấp làng xã đang cơ cấu theo hướng tổ chức lại theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao đang đi đúng hướng.

Thừa nhận một số khó khăn, tồn tại trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp hiện đại như nhiều đại biểu đã nêu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Tính liên kết trong sản xuất, trong sản phẩm còn yếu; chế biến chưa tương xứng với sức sản xuất nên có lúc sản phẩm bị dư thừa do thời vụ, khi có biến động thị trường thế giới; quản lý nhà nước nhiều mặt còn bất cập từ vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, khâu tổ chức sản xuất và kiểm soát, lưu thông hàng hóa; xuất khẩu nhiều nhưng thị trường bấp bênh, chưa ổn định, chưa có thương hiệu...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhận định, kinh tế Việt Nam kết thúc năm 2017 với những kết quả đáng trân trọng: Chúng ta tăng trưởng nhưng vẫn bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cán cân thương mại thặng dư; quá trình tái cơ cấu ngân hàng được bảo đảm; nợ công từ 63,7% GDP xuống còn 61,7% GDP...

Để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát “độ mở” của nền kinh tế theo hướng tăng cường xúc tiến thương mại nội địa để tận dụng ưu thế của thị trường hơn 90 triệu dân, qua đó hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài đối với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ của các nước đang tăng lên.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, 30 năm qua, Việt Nam đã thu hút được 370 tỷ USD; hiện có 3.400 dự án FDI đang triển khai. Doanh nghiệp FDI đóng góp 20% GDP, 72% kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu ngân sách... Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, hoạt động của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng có nhiều tồn tại cần khắc phục, trong đó có vấn đề về môi trường, tài chính, chuyển giao công nghệ,... Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có định hướng trong thu hút các dự án FDI, bảo đảm chỉ thu hút các dự án theo tiêu chí: Xanh - Sạch - Công nghệ cao - Tính lan tỏa; cần có bàn tay hữu hình của Chính phủ để kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài... Chính phủ phải có chiến lược định hướng thu hút FDI, ưu tiên các tiêu chí xanh, sạch, không có vết nhơ như trốn thuế, gian lận thương mại.

Đề cập việc giải cứu thịt lợn, mía đường, khoai lang, dưa hấu và gần đây là củ cải…. khiến hàng vạn nông dân lao đao, phá sản, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị, cần hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, để không còn câu chuyện nông nghiệp giải cứu, nông nghiệp từ thiện cần thực hiện chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó hướng tới chuỗi ngành hàng nông sản. Rất cần hệ thống chính sách hỗ trợ cho công nghệ bảo quản, chế biến, thương mại hóa sản phẩm, kết nối thị trường. Muốn vậy cần đổi mới công tác khuyến nông, theo hướng hỗ hợ tăng sản lượng, hỗ trợ người sản xuất tiếp cận với thông tin thị trường, công nghệ bảo quản chế biến nông sản và phát triển thị trường.

Phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều tồn tại, như tính liên kết 3 trục sản phẩm là: sản phẩm nông nghiệp cấp quốc gia, cấp tỉnh, địa phương; khâu chế biến còn yếu; quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, còn bất cập về quản lý nhà nước ở trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kiểm soát lưu thông hàng hóa. Đây là những khâu còn yếu, kể cả bộ chuyên ngành, kể cả bộ liên quan và cả cấp quản lý từ trung ương đến địa phương. Điểm yếu nữa là thị trường bấp bênh, chưa có thương hiệu, chất lượng, mẫu mã hàng hóa chưa được tương xứng. Thị trường trong nước tổ chức chưa được. Một đất nước chuyển đổi 32% đô thị, 13 triệu công nhân nhưng các  thiết chế hạ tầng thương mại hiện đại để phục vụ thị trường trong nước cho 93 triệu dân xoay chưa kịp.

Tranh luận lại với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về cách phân loại nông sản hàng hóa theo 3 cấp tỉnh, huyện, xã, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng: Nói như Bộ trưởng có thể dẫn đến cách hiểu lầm đó là phân cấp trách nhiệm cho 3 cấp chính quyền trong việc hỗ trợ cho nông dân tiêu thụ sản phẩm. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, trong kinh tế thị trường chỉ có sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa, chỉ có quan hệ người sản xuất và người tiêu thụ. Như vậy, yếu tố mà tác động từ các cấp chính quyền là sự hỗ trợ của nhà nước. Câu chuyện “được mùa rớt giá”, “giải cứu nông sản” chính từ tư duy phân cấp như thế này. Trong công nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh là sản xuất theo địa chỉ tiêu thụ, nhiều nước có thể để ruộng đất bỏ không nếu không có đặt hàng. Trong khi đó nông dân của chúng ta sản xuất hàng hóa theo thị trường, khi có trào lưu tiêu thụ mà không tính đến cung - cầu. Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị phải xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về chỉ dẫn địa lý với năng lực sản xuất, sản lượng tiêu thụ, giá cả, môi trường kết nối… có thể giải cứu được nông sản khi được mùa rớt giá.

Ngày 26/5, Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2017 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO