Quốc hội thảo luận dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Nguồn SGGP| 22/11/2014 22:05

Sáng 21/11, tiếp tục chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

ADQuảng cáo

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới; bảo đảm cho công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc theo quy định của Hiến pháp; đồng thời để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chính sách nghĩa vụ quân sự phải bảo đảm thực hiện phương châm vừa xây dựng lực lượng thường trực chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có số lượng hợp lý, vừa xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu; đổi mới chế độ chính sách đối với người thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, động viên thanh niên hăng hái phục vụ trong quân đội và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân để bảo đảm công bằng xã hội...

Chiến sỹ Tiểu đoàn 472 (phân đội 18) Hải quân đánh bộ chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Về thời hạn phục vụ tại ngũ, dự thảo luật quy định thống nhất thực hiện thời hạn phục vụ của hạ sỹ quan, binh sỹ từ 18 tháng lên 24 tháng. Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định thời hạn nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ là nội dung quan trọng cần phải có cơ sở chính trị, xã hội, pháp lý, khoa học thực tiễn để bảo đảm đáp ứng mục tiêu xây dựng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội, kết hợp việc xây dựng lực lượng thường trực có số lượng hợp lý với xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu.

Nội dung này phải cụ thể hóa và thực hiện các nguyên tắc cơ bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, đặc biệt là bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân; phù hợp với tình hình đất nước, kết hợp chặt chẽ giữa củng cố và nâng cao tiềm lực quốc phòng với phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân…

Về tạm hoãn gọi nhập ngũ (khoản 1 Điều 41), nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm chung là cần giảm đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình, nhằm tạo điều kiện cho công dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Dự án Luật đã quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân: “Đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu;” quy định rõ hơn đối với trường hợp công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ.

ADQuảng cáo

Đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi nhập ngũ. Đối với công dân đang học tập tại các nhà trường hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc cơ sở giáo dục không thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thì được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ sẽ được tiếp nhận để học tập.

* Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Đa số các ý kiến thảo luận đề nghị tập trung làm rõ chức năng quyền hạn của Thủ tướng, nhất là đối với việc bổ nhiệm, cán bộ cấp dưới.

ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM); ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) và nhiều ĐB cho rằng cần quy định ngay trong luật cơ cấu, số lượng các bộ, tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ… để tránh “co giãn” sau này. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cũng đồng tình việc ghi rõ trong luật như vậy nhằm bảo đảm không “đẻ thêm ghế nào”. Đặc biệt, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) và khá nhiều ĐB để khắc phục tình trạng cấp phó hiện nay, cần quy định rõ số lượng cấp phó (thứ trưởng) ngay trong luật.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) phát biểu ý kiến.

Vấn đề quyền hạn của Thủ tướng cũng là vấn đề các ĐBQH quan tâm. ĐB Bùi Thị An cũng đề nghị cần ghi rõ quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng để tăng tính trách nhiệm của Thủ tướng trước Quốc hội, trước dân, nhất là trong trường hợp phải xử lý các sự cố quan trọng. ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, Thủ tướng thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua cơ quan đại chúng về những vấn đề quan trọng, vậy thì cần làm rõ những vấn đề quan trọng là gì. ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cũng có quan điểm, phải tăng thực quyền của Thủ tướng, nhất là thẩm quyền về nhân sự để qua đó nâng cao kỷ cương kỷ luật trong cơ quan Nhà nước. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề xuất, khi chủ tịch UBND các tỉnh, thành ban hành các văn bản, chính sách hoặc có hành vi làm xâm phạm đến lợi ích của đất nước thì Thủ tướng có quyền đình chỉ mà không chờ phải xem xét có trái với Hiến pháp hay không.

Nhiều ĐB cho rằng, luật có tới 4 trang ghi về chức năng của Thủ tướng. “Nhiều đến nỗi chắc Thủ tướng cũng chả nhớ hết. Tại sao giao nhiều việc quá vậy? Chẳng hạn quyết định thành lập trường đại học, sao không giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Thủ tướng là lãnh đạo, không phải là nhà quản lý. Việc nhỏ nào cũng đẩy lên Thủ tướng thì biến Thủ tướng thành người quản lý”, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nói. Tán thành điều này, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) góp ý thêm, trong khi quá nhiều chức năng thì chức năng cần làm rõ của Thủ tướng trong bổ nhiệm, cách chức cán bộ cấp dưới lại rất mờ nhạt. “Việc bổ nhiệm, cách chức mà vẫn cứ phải xem xét qua bao nhiêu khâu thì còn làm được gì”, ĐB Trần Thị Quốc Khánh nói. ĐB Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị cần ghi rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cả về hành pháp, kinh tế. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị phải phân định rõ chức năng quyền hạn giữa Thủ tướng và Chính phủ vì vẫn còn nhiều nội dung chưa rạch ròi.

Đặc biệt, ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và nhiều ĐB khác đều cho rằng, cần quy định rõ hơn về phân cấp của Chính phủ đối với địa phương, cơ sở; bảo đảm tính chủ động của địa phương. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, tồn tại lớn nhất của nền hành chính chúng ta là không rõ ràng về trách nhiệm của bộ máy công vụ, đâu là trách nhiệm của Chính phủ, đâu là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Ví dụ vấn đề hàng gian, hàng giả, trách nhiệm của ai chưa rõ. “Phải rõ cái gì Chính phủ làm, cái gì địa phương làm. Hiện nay vấn đề này chưa rành mạch. Vì vậy, đề nghị luật phải thiết kế lại theo hướng làm rõ chính quyền địa phương làm gì, chịu trách nhiệm gì; chính quyền Trung ương (Chính phủ) làm gì, chịu trách nhiệm gì. Những gì địa phương làm thì Chính phủ chỉ kiểm tra, giám sát”, ĐB Trần Du Lịch đề nghị.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO