Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về 3 dự án luật

V.D (t.h)| 22/10/2014 16:38

Sáng ngày 22/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc với phần trình bày của Bộ Tài nguyên và Môi trường về Tờ trình về dự án Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo; Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam trình bày Tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội.

 Quốc hội họp tại Hội trường. Ảnh: VPQH

Khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 76 điều thể hiện trong 10 chương. Cụ thể là: Quy định chung; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ, gồm 3 mục, 12 điều; Tài nguyên hải đảo; Bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quan trắc, giám sát tổng hợp và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Điều khoản thi hành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, để khắc phục những bất cập nảy sinh trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo ngành, lĩnh vực, cần áp dụng một phương thức mới để quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đó là phương thức quản lý tổng hợp.

“Phương thức quản lý này có vai trò điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái, qua đó, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển và hải đảo được bảo vệ; hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Khoa học và Công nghệ - Môi trường nhất trí với Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo nhằm khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển diễn biến phức tạp, một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về tài nguyên, môi trường biển trong tình hình khu vực biển Đông hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp…

Ông Phan Xuân Dũng cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể việc thẩm định các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án điều tra cơ bản về biển và hải đảo của các bộ, ngành và địa phương trước khi phê duyệt để bảo đảm quản lý thống nhất công tác điều tra cơ bản về biển, hải đảo trong phạm vi cả nước; quy định cụ thể hơn thẩm quyền của Bộ TNMT trong việc quản lý thống nhất về điều tra cơ bản Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng lưu ý, quy định hành lang bảo vệ bờ biển là nội dung lần đầu được luật hóa, việc xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển sẽ có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ và tác động đến các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, nội dung quản lý này cần được quy định cụ thể trong Luật.

Về bảo vệ môi trường biển và hải đảo, cơ quan thẩm tra nhận thấy, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể những vấn đề về BVMT phù hợp đặc thù của biển và hải đảo như phân vùng rủi ro ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, nhận chìm vật, chất ở biển,... Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do tàu gây ra và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển do các hoạt động nhận chìm ở biển và hải đảo.

Tăng trách nhiệm và quyền hạn của MTTQ Việt Nam

Tiếp đó, ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã trình bày tờ trình về Dự án luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) trước Quốc hội.

Theo đó, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi)  sửa quy định việc MTTQ Việt Nam tham gia tố tụng, tham gia công tác đặc xá; quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc MTTQ Việt Nam tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí... Đặc biệt, lần này sửa luật để bổ sung về trách nhiệm và quyền hạn thực hiện dân chủ; tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam;  việc MTTQ Việt Nam tập hợp, tổng hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc MTTQ Việt Nam tham gia tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Nhà nước.

Tại tờ trình, MTTQ Việt Nam vẫn còn một số vấn đề xin ý kiến Quốc hội. Cụ thể, về việc MTTQ Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng, ông Vũ Trọng Kim cho biết đa số ý kiến cho rằng Luật không nên quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, mà nên quy định trong các văn bản của Đảng. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, Luật lần này cần quy định về việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng.

Trước 2 luồng ý kiến này, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề này, Luật MTTQ Việt Nam chỉ nên quy định về việc giám sát, tham gia góp ý của MTTQ Việt Nam với cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy chế hoạt động của hệ thống nhà nước. Những vấn đề liên quan đến việc MTTQ tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng nên để quy định trong các văn bản của Đảng như từ trước đến nay.

Cũng theo ông Vũ Trọng Kim, việc MTTQ tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng đã được quy định trong nhiều văn bản của Đảng. Vì vậy, Luật MTTQ Việt Nam chỉ nên quy định về việc giám sát và tham gia góp ý với cơ quan, tổ chức, đơn vị, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy chế hoạt động của hệ thống nhà nước.

Một số ý kiến khác cho rằng, một trong những điểm mới của Hiến pháp vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2013 là ghi nhận chức năng của MTTQ trong việc “giám sát và phản biện xã hội”, đồng thời quy định Đảng “chịu sự giám sát của Nhân dân”. Như vậy, việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của MTTQ được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, áp dụng với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả tổ chức Đảng, đảng viên cũng như đường lối, chính sách của Đảng. Do đó, ý kiến này đề nghị dự thảo Luật cần được bổ sung quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.

Về hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Ủy ban pháp luật cho rằng, việc thể chế hoá chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong dự thảo Luật là cần thiết. Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện hiện nay thì phải chăng chỉ nên giới hạn phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp có liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân như dự thảo Luật là phù hợp. Ngoài ra, mặt trận nên phản biện cả những văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án đã được ban hành, phê duyệt. Bởi vì, chính trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản, chương trình, dự án này mới bộc lộ những hạn chế, bất cập, từ đó đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung để làm tốt hơn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định về cơ chế để thực hiện phản biện xã hội trong dự thảo Luật cần được cân nhắc.

Nhất trí lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội

Thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), nhiều đại biểu tán thành quy định lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội như dự thảo Luật.

Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là chức danh mới cho phù hợp với thông lệ quốc tế và nhiệm vụ mới của Quốc hội.

Trên cơ sở đánh giá hoạt động của Đoàn Thư ký kỳ họp hiện nay cũng như tham khảo kinh nghiệm của quốc tế trong tổ chức hoạt động của Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng chức danh Tổng Thư ký là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, do Quốc hội bầu, nhiễm nhiệm, cách chức, đồng thời cũng quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tổng hợp, tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP. Hải Phòng) đồng tình với quy định lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội, đứng đầu Văn phòng Quốc hội nhưng không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội, vì theo ông Trần Ngọc Vinh, người nào hội tụ đủ các điều kiện thì được Quốc hội bầu để thực hiện chức năng nhiệm vụ quy định.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng lập chức danh Tổng Thư ký là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội nhưng cần quy định cụ thể hơn quyền hạn, nhiệm vụ của Tổng Thư ký. Đại biểu Tám cũng đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung chức danh Phó Tổng Thư ký Quốc hội giúp việc Tổng Thư ký, nhất là thực hiện nhiệm vụ khi Tổng Thư ký ốm đau, công tác vắng… Tuy nhiên cũng cần làm rõ hơn vai trò, vị trí, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng Thư ký Quốc hội và vai trò của Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính hay cơ quan tham mưu giúp việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Định) đặt vấn đề: Tổng Thư ký Quốc hội không nhất thiết phải chọn trong số các đại biểu Quốc hội và cũng phải làm việc theo nhiệm kỳ nhằm tạo sự linh hoạt trong lựa chọn ứng viên cho vị trí này.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu tán thành quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội nhưng cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn, tính độc lập của đại biểu, hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của đại biểu.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (tỉnh Bình Phước) kiến nghị cần xác định rõ hơn vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, nhất là trong xây dựng luật.

Tán thành với đại biểu Hùng, các đại biểu  Nguyễn Tiến Sinh (tỉnh Hòa Bình), Nguyễn Thanh Sơn (tỉnh Nam Định) nêu quan điểm: Cần xác định rõ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội; tiêu chuẩn và chất lượng của đại biểu phải được quy định chặt chẽ, lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, xuất  sắc, bản lĩnh, trí tuệ, có ảnh hưởng và uy tín tốt trong nhân dân để bầu vào Quốc hội nhằm thể hiện và thực hiện được ý chí, nguyện vọng của cử tri. Đồng thời, nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 50%.

Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định về đại biểu chuyên trách, nhất là ở địa phương để cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của đại biểu chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về 3 dự án luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO