Qua 30 năm thành lập và phát triển: Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn

Bình Minh| 03/12/2019 09:36

Ngày 6/12/1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định thành lập Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam. Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ CCB Việt Nam đã giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của Nhân dân.

CCB từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn tỉnh nói chuyện truyền thống với thế hệ trẻ tại Chương trình gặp mặt truyền thống “Điện Biên-Bước chân qua thế hệ” năm 2019. Ảnh: Hoàng Hoài

Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”

Hội CCB Việt Nam luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Hội. Vì thế, các cấp hội thường xuyên quan tâm quán triệt, tổ chức, vận động hội viên giữ vững bản lĩnh chính trị, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện và vận động Nhân dân thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hội đã tích cực tham gia cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch vững mạnh; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; chủ động ngăn chặn, đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động. Các cấp hội phối hợp với các cơ quan, ngành, đoàn thể kịp thời xử lý kiên quyết, khôn khéo, hiệu quả các điểm “nóng”, phức tạp và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các cấp hội bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, động viên CCB tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội; xây dựng đoàn kết trong nội bộ Hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các cấp hội tích cực vận động CCB phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm; sáng tạo trong lao động, sản xuất và huy động mọi nguồn lực, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương; tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với CCB để đẩy mạnh việc giúp nhau làm kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh và bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Mặc dù gặp không ít khó khăn, thử thách nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã do CCB làm chủ vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho CCB và con em CCB, gia đình chính sách.

Trong giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ, các cấp hội CCB đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tích cực triển khai nhiều hoạt động tích cực.

Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại Nhân dân

Ngay từ khi mới thành lập, Hội coi trọng và tích cực mở rộng quan hệ, đối ngoại với các nước trong khu vực và thế giới; nhằm nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế như: Hợp tác với Hiệp Hội CCB Quốc gia Lào và Campuchia ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, đặc biệt hội CCB các tỉnh, thành phố có chung đường biên giới với nước bạn. Hội duy trì trao đổi thông tin và giữ mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức CCB các nước: Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Marốc, Đức, Ba Lan, Bungari,… góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc; tích cực tuyên truyền đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần thúc đẩy giải quyết hậu quả chiến tranh.

Hội giữ mối quan hệ thường xuyên với các câu lạc bộ, Ban liên lạc CCB Việt Nam ở nước ngoài để động viên CCB giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Hội CCB Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm với các tổ chức CCB quốc tế như: Liên đoàn CCB các nước ASEAN (VECONAC), Liên đoàn CCB thế giới (WVF), Ủy ban Thường trực CCB khu vực châu Á-Thái Bình Dương (SCAP).

Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Cựu chiến binh Việt Nam vinh dự được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân chương cao quý; đặc biệt Hội được nước CHDCND Lào tặng Huân chương Ítxala (Tự do) hạng Nhất. Ngoài ra, 21 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và hàng trăm tập thể, cá nhân đã được Thủ tướng Chính phủ; các ban, bộ, ngành, chính quyền các cấp khen thưởng và tặng nhiều danh hiệu cao quý khác.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

Trong hoạt động, các cấp hội đã coi việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Hội trên cả 3 phương diện: Chính trị tư tưởng; tổ chức và đội ngũ cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát. Nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, thể hiện rõ hơn vai trò, tính chất của một tổ chức chính trị - xã hội; có sự phân công trách nhiệm cụ thể, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong hành động. Hội gắn công tác xây dựng, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào của địa phương, ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị; hướng mạnh về cơ sở; coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát; tích cực đổi mới nội dung, hình thức nâng cao chất lượng sinh hoạt, hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở hội. Hội thường xuyên quan tâm đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nói đi đôi với làm của lãnh đạo từ Trung ương tới cơ sở, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn hoạt động của Hội.

Phát huy những kết quả đạt được, các thế hệ CCB Việt Nam tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội CCB Việt Nam lần thứ VI (2017-2022) đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qua 30 năm thành lập và phát triển: Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO