Phong cách nghệ thuật báo chí Hồ Chí Minh

Nguyễn Xuyến| 17/06/2016 08:51

Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc và cộng sản quốc tế, mà còn là nhà báo vô sản vĩ đại. Người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và là người thầy của các thế hệ nhà báo nước ta.

Cũng như C.Mác, Ph.Ăng-ghen và V.I.Lê-nin, Bác Hồ bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình bằng tiếng nói đấu tranh của báo chí.

Kể từ năm 1919, với bài báo đầu tiên “Tâm địa thực dân” ký tên Nguyễn Ái Quốc đến bài báo cuối cùng của Người: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” với bút danh TL, đăng trên báo Nhân Dân, số 5526, ngày 1/6/1969, Người đã viết khoảng 2.000 bài, dưới 169 tên gọi, bí danh, bút danh khác nhau. Đặc biệt, trước khi viết báo bằng tiếng Việt, Người đã viết bằng các tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga và nhiều thứ tiếng khác.

Với lời văn sắc sảo và châm biếm, mỗi bài báo của Người là một tờ hịch chiến đấu và là một bản cáo trạng đanh thép đối với chủ nghĩa đế quốc. Người đã sử dụng báo chí làm công cụ cực kỳ sắc bén để chống thực dân, đế quốc, tuyên truyền cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8/9/1962, Người đã nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng…Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ…” Đối với Người, báo chí là phương tiện đấu tranh cách mạng, báo chí là một mặt trận và người làm báo là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Đặc trưng trong văn phong báo chí Hồ Chí Minh có thể cô đọng trong mấy chữ: Chân thực; Ngắn gọn; Trong sáng; Giản dị; Sinh động. Chân thực là yêu cầu đầu tiên của bài báo. Chính tính chân thực đã làm nên sức thuyết phục cao của những bài báo của Người đối với người nghe, người đọc. Theo Người, “Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra”; “không nên nói ẩu”; “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”… Ngắn gọn là đặc trưng nổi bật trong cách viết của Người. Theo Người, “ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Và tuyệt đối tránh viết dài mà sáo rỗng.

Những bài viết của Người đều rất giản dị trong cách trình bày và dễ hiểu với người đọc bằng những ngôn từ quen thuộc, dù đó là những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại.

Với nửa thế kỷ trên mặt trận báo chí, Người còn để lại nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm quý báu khác về làm báo cách mạng. Một trong những di sản đó là nghệ thuật đặt tên đề bài báo và sử dụng ngôn ngữ báo chí. Người thường dùng lối so sánh ví von khi đặt tên bài báo. Đả kích chủ nghĩa đế quốc tự khoe khoang là văn minh mà lại đi xâm lược, áp bức, bóc lột các thuộc địa, Người viết nhiều bài báo với tên đặt như: “Mỹ mà không đẹp”. “Quân Mỹ chết nhăn răng, tướng Mỹ nhăn răng cười”. Bài viết về tên tướng Mỹ Tay-lo với đầu đề mỉa mai: “Tay - lo rồi chân cũng lo”. Người đã dùng ca dao, tục ngữ, thành ngữ dễ hiểu, nhưng chứa đựng nhiều nội dung sâu xa. Tố cáo Mỹ - Diệm, nhiều bài báo của Người đã được đặt tên: “Đã mất tiền, lại mất mặt”, “Mềm thì nắn, rắn thì buông”, “Lấy thúng úp voi”. 

Khi Nhà nước ta kêu gọi tiết kiệm lạc để xuất khẩu, Người viết bài: “Làm thế nào để cho Lạc thêm vui” với lối chơi chữ nhẹ nhàng mà thật sâu sắc. Để tránh sự sáo mòn, đơn điệu, Người đã có cách đặt tên cho một số bài báo thu hút được sự chú ý của người đọc như: “Phải chăng thế này là thực hành tiết kiệm?” Một số tên bài khác của Người đã gợi lên sự thắc mắc, buộc người đọc phải tự tìm lời giải đáp như bài: “Rút ngắn càng tốt, kéo dài càng hay”, “3 định, 4 vui lòng” v.v…

Trên nhiều bài báo của mình, Người đã khai thác các hình thức ngôn ngữ có tính dân gian như ca dao, vè, thành ngữ, tục ngữ, lẩy Kiều.

Trong nhiều bài báo khác của Người, ngôn ngữ luôn có sự kết hợp giữa lý trí và tình cảm và mang tính khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ ta là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”...

Bác Hồ làm báo là để làm cách mạng và để làm cách mạng, Người đã trở thành một nhà báo cách mạng vĩ đại. Các tác phẩm báo chí của Người đều có nội dung sâu sắc và mẫu mực về hình thức, là sự nhuần nhuyễn giữa nội dung và hình thức thể hiện, tạo nên một phong cách riêng rất độc đáo mà các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam phải phấn đấu dần dần đạt tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong cách nghệ thuật báo chí Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO