Phát huy vai trò công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận về hoạt động phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia

Thành Nhân| 26/10/2016 09:49

Tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có chiều dài khoảng 130 km, đi qua địa bàn 7 xã, 4 huyện biên giới.

Thực hiện Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia năm 1985 (ký năm 2005), hai bên đã phân giới, cắm mốc được 8 vị trí mốc (từ mốc 48 đến mốc số 55) với 16 cột mốc.

Kết quả này đạt được là do trong quá trình triển khai, công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh ở các cấp. Trước hết, ở cấp tỉnh, thông qua Hội nghị báo cáo viên hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông đã mời các đơn vị như Sở Ngoại vụ, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh báo cáo về tình hình biên giới Việt Nam - Campuchia và kết quả công tác phân giới, cắm mốc và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh… cho đội ngũ báo cáo viên Tỉnh ủy, lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Nhân viên đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Thuận An tuyên truyền bà con bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil) về đường biên cột mốc. Ảnh: Phan Tân

Theo đó, giai đoạn 2014 - 2016, đã tổ chức được 8 hội nghị báo cáo viên cung cấp thông tin cho 320 lượt báo cáo viên Tỉnh ủy. Đồng thời, tập trung đưa thông tin phân giới, cắm mốc về tận cơ sở, từ năm 2014 đến nay, Sở Ngoại vụ phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức 21 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bảo vệ biên giới và kết quả phân giới, cắm mốc giữa hai nước Việt Nam - Campuchia” cho cán bộ, nhân dân tại các thôn, bon của 7 xã, 4 huyện biên giới, bình quân mỗi lớp có từ 80 đến 120 người tham gia.

Sở Ngoại vụ cũng đã biên soạn và cấp phát cho cán bộ, nhân dân ở các xã biên giới 11.000 tờ gấp và tờ rơi về vấn đề biên giới  với nội dung ngắn gọn, dễ nhớ và dễ thực hiện. Cùng với đó, các cơ quan báo chí tỉnh duy trì đều đặn và tăng thời lượng, đổi mới nội dung thông tin tuyên truyền về phân giới, cắm mốc biên giới trên các chuyên trang, chuyên mục. Công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc biên giới cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số được coi trọng.

Các hoạt động cổ động trực quan, văn hóa lưu động được duy trì thường xuyên, góp phần tăng tính đa dạng cho công tác tuyên truyền. Hàng năm, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương biên giới, các Đồn biên phòng tổ chức các hoạt động cổ động trực quan, lắp đặt pa nô, áp phích, tổ chức chiếu phim, văn nghệ lưu động về các địa phương biên giới.

Trong giai đoạn 2014 – 2016 đã làm mới được các cụm pa nô về biên giới tại 7 xã biên giới, khu vực cửa khẩu; tổ chức 25 đợt văn nghệ, chiếu phim lưu động phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới, trong đó lồng ghép nội dung tuyên truyền phân giới, cắm mốc biên giới.

Toàn tỉnh hiện có 476 người có uy tín trong 299 thôn, bon, bản, tổ dân phố của 60 xã, phường, thị trấn. Phát huy vai trò của lực lượng người có uy tín trong công tác tuyên truyền phân giới, cắm mốc, hàng năm, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức gặp mặt, cập nhật thông tin, chính sách, pháp luật về biên giới, tuyên truyền về vai trò ý nghĩa và kết quả công tác phân giới, cắm mốc. Thực tiễn cho thấy, với uy tín, kinh nghiệm và tiếng nói trong cộng đồng, lực lượng người có uy tín đã đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền công tác phân giới, cắm mốc ở cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận về hoạt động phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO