Ông cầm súng, bà tải đạn, trọn vẹn lời thề với Tổ quốc

Hoàng Thanh| 30/04/2020 08:43

Cùng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên duyên từ khi còn ở trong rừng, có những đôi vợ chồng đã cùng nhau đi qua cuộc chiến, trọn vẹn lời thề với Tổ quốc và ở lại quê hương Nâm Nung (Krông Nô) sinh sống, làm ăn cho đến tận bây giờ.

Mỗi lần gặp nhau là càng thương nhau hơn

Chúng tôi đến thăm gia đình vợ chồng ông K’Hoàng (SN 1943, người dân tộc K’ho) và H’Brông (SN 1953, người dân tộc M’nông) ở bon Jốc Ju, xã Nâm Nung vào giữa trưa khi bà H'Brông đang chuẩn bị bữa trưa cho ông. Dù đã gần 80 tuổi, song ông K’Hoàng vẫn rất hóm hỉnh: “Hơn 40 năm nay rồi bà luôn là người "giữ lửa" cho tôi. Nhờ vậy mà tôi có được tinh thần thoải mái, các con đều trưởng thành”. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về quá khứ, ông K’Hoàng gọi với vào bảo bà dừng tay nấu nướng để cùng tiếp chuyện.

Hai ông bà K’ Hoàng và H’Brông trân trọng chuẩn bị cờ Tổ quốc để treo dịp lễ 30/4

Theo lời kể của ông K’Hoàng, ông quê ở Lâm Đồng, vào năm 1963 khi vừa tròn 20 tuổi, vì căm thù giặc nên đi theo cách mạng. Vào bộ đội, ông được biên chế vào đơn vị F7, Quân đoàn 4, miền Đông Nam bộ, chuyên bảo vệ căn cứ lúc bấy giờ. Còn bà H’Brông tham gia thanh niên xung phong, thuộc đơn vị hậu cần của Tỉnh đội Quảng Đức cũ vào năm 1969, khi mới 16 tuổi. Trong một lần tải đạn, lương thực vào chiến trường, hai người đã gặp nhau và đem lòng thương nhớ. Chiến tranh khốc liệt, khói lửa nên đội vận chuyển lương thực, đạn dược của bà H’Brông thường xuyên phải tải đạn vào chiến trường, nên thời gian hai người gặp nhau không được nhiều.

Ông K’Hoàng kể: “Lúc bấy giờ, mình thương bà ấy lắm, người nhỏ nhắn, mà luôn gùi tới 70-80 kg vũ khí, có khi đi vài ngày đêm mới đến điểm giao hàng. Vì vậy, mỗi lần gặp nhau là chúng tôi càng thương nhau hơn. Cho đến năm 1971, chúng tôi được đơn vị tạo điều kiện tổ chức đám cưới cho. Đám cưới giữa rừng thời chiến mộc mạc, đơn sơ nhưng cũng rất thiêng liêng".

Cứ thế, ông thì cầm súng, bà tải đạn, từ lúc cưới nhau cho đến ngày giải phóng, số lần hai người gặp nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông bà được quân đội cho xuất ngũ, thế là dắt díu nhau về quê bà là bon Jốc Ju sinh sống.

Nhiều lần nói chuyện rồi nảy sinh tình cảm

Cách nhà vợ chồng ông K’Hoàng một đoạn ngắn là nhà của vợ chồng ông Đinh Nhớt (SN 1944, dân tộc Bana) và H’Krông (SN 1953, dân tộc M’nông). Tham gia cách mạng từ lúc 15 tuổi, do có năng khiếu ca hát, nên H’Krông cùng những cô gái trong bon tham gia vào đội văn nghệ quần chúng, đi biểu diễn phục vụ bộ đội, người dân khắp chiến trường Tây Nguyên. Sau này, ngoài việc nuôi giấu cán bộ, bà còn tham gia công tác thanh niên và vận chuyển đạn dược, lương thực.

Hai ông bà Đinh Nhớt và H’Krông đến với nhau không chỉ vì tình yêu mà còn là tình đồng chí, lý tưởng cách mạng

Bà H’Krông kể: “Tôi và một người bạn nữa trong bon tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội đánh Mỹ. Chúng tôi thường xuyên băng rừng sang Campuchia, chở đạn và muối về phục vụ kháng chiến. Có những chuyến phải mất 3 ngày 3 đêm vượt rừng mới sang tới nơi, rồi lại mất chừng ấy thời gian để đưa về đến căn cứ. Trong thời gian này, tôi gặp ông nhà khi đang là bộ đội trong căn cứ Nâm Nung, nhiều lần nói chuyện rồi cả hai mới nảy sinh tình cảm lúc nào chẳng hay”.

Cũng như ông K’Hoàng, ông Đinh Nhớt, vốn quê Gia Lai, năm lên 10 tuổi, làng ông ở bị giặc càn quét, bố mẹ, anh em đều bị bắt. Ông may mắn chạy thoát rồi xin gia nhập đoàn văn công An Khê. Năm năm sau, ông làm đơn xin nhập ngũ vào tiểu đoàn 20 và theo đồng đội hành quân tới căn cứ Nâm Nung này.

Ông Đinh Nhớt nhớ lại: “Hồi ấy bộ đội ăn ở luôn trong nhà dân. Hàng ngày, thấy bà ấy giã gạo nuôi quân, rồi đi vận chuyển đạn dược nên tôi thường sang nhà giúp ông bà già (bố mẹ vợ) làm rẫy. Được một thời gian, thấy tôi chăm chỉ nên ông bà già cho ở rể. Khó khăn, vất vả, hy sinh trong chiến đấu là điều không thể tránh khỏi nhưng vợ chồng tôi cùng hứa hẹn phải thủy chung, giữ trọn lời thề với Tổ quốc cho đến ngày toàn thắng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông cầm súng, bà tải đạn, trọn vẹn lời thề với Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO