Nơi hội tụ tâm linh nguồn cội trong mỗi người dân Việt Nam

Hoài Anh| 01/04/2020 09:04

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có truyền thuyết riêng cho nguồn gốc của mình. Với người Việt Nam, ngày mùng 10/3 âm lịch hằng năm đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt. Cứ đến ngày này, dù ai ở xa, dù ai đang bận rộn, dù đi đâu về đâu, cũng hướng về chân núi Nghĩa Lĩnh tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.

Nguồn gốc của ngày giỗ Tổ

Truyền thuyết kể lại rằng, Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm, vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”.

Vì vậy, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương.

Các đại biểu dự Lễ Giỗ Tổ Mẫu Âu Cơ năm 2020

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

Ngày con cháu nhớ về cội nguồn

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 chính là nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, công ơn của những người đi trước. Theo tục lệ hàng năm, ngày giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Đây là dịp con cháu từ mọi miền đất nước trở về đây bày tỏ lòng biết ơn với những người đi trước.
Vì ý nghĩa của ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 là đặc biệt quan trọng nên những nghi thức được tiến hành khá cầu kì. Khi tế lễ Hùng Vương thường có âm nhạc, lễ vật, một ban tế lễ gồm những người có chức sắc được làm chủ tế. Ngoài ra trong ngày giỗ Tổ người ta thường trang trí thêm cờ xí, nhạc lễ, phẩm phục, phẩm vật tế lễ. Những loại phẩm vật thường dùng là bò, dê, heo, hoa quả, bánh chưng, bánh giầy, xôi, chè, kẹo,…
Vào ngày 6/12/2012, ý nghĩa của giỗ Tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giờ đây, ý nghĩa ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà nó còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

Tâm hương hướng về ngày giỗ Tổ

Theo Ban tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19  nên giỗ Tổ Hùng Vương chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội nhưng vẫn phải bảo đảm trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm và thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo kế hoạch mới điều chỉnh, giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020 chỉ tổ chức 3 hoạt động lễ chính gồm: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày 29/3/2020 (tức mùng 6/3 âm lịch); Lễ dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương bắt đầu lúc 9 giờ ngày 2/4/2020 (tức mùng 10/3 âm lịch). Đặc biệt năm nay, lễ dâng hương sẽ không tổ chức đoàn rước kiệu từ sân hành lễ và không truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình, hạn chế đại biểu tham dự để tránh việc tập trung đông người trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Các đại biểu dâng lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân năm 2020. Ảnh tư liệu

Nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu cũng đã quyết định hoãn việc tổ chức trên môi trường thực tế chuyển sang tổ chức trên không gian mạng Internet, với tên gọi: "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu online".

Theo Ban tổ chức, năm nay, nội dung Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu online có hai phần gồm: Cuộc thi viết status hướng về Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu, đây là cuộc thi viết về cảm nghĩ, cảm xúc hoặc các video clip, thể hiện tình cảm với quê hương, đất nước, với tiên tổ, dân tộc; cảm xúc tự tôn, tự hào dân tộc, kết nối Việt Nam với bạn bè quốc tế; những câu chuyện cảm động về tình người xa xứ, những câu chuyện của bà con kiều bào, bạn bè quốc tế giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, đại dịch... dành cho công dân Việt Nam và công dân người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Phần 2 của chương trình mang tên "Tâm hương hướng về Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu" nhằm vận động toàn thể bà con trong nước và kiều bào khắp nơi trên thế giới đồng loạt thay đổi hình ảnh đại diện trên trang Facebook cá nhân, Fanpage tập thể bằng logo Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu vào đúng ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 10/3 âm lịch (tức ngày 2/4/2020 dương lịch) như một nén tâm hương hướng về Ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

Lãnh đạo và Nhân dân Phú Thọ dâng hương tại đền Tổ Mẫu Âu Cơ năm 2018

Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu được hình thành từ năm 2015 do một số nhà khoa học, trí thức, lãnh đạo hội đoàn kiều bào của 7 nước thành lập, trong dịp về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, năm 2015. Dự án đã được giới thiệu tại nhiều cuộc hội nghị, hội thảo/tọa đàm khoa học, gặp gỡ kiều bào, nguyên thủ tại Việt Nam và các nước trên thế giới.

Sau 5 năm triển khai, Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã phối hợp với các cơ quan ban ngành trong và ngoài nước, các hội đoàn cộng đồng kiều bào, tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu và an vị tượng Vua Hùng ở 10 nước trên thế giới như: Cộng Hòa Séc, Liên bang Nga, Hungary, CHLB Đức, CHDCND Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Ukraine.

Kể từ năm 2007, khi Quốc hội chính thức công nhận giỗ Tổ Hùng Vương là Quốc lễ thì ngày này có ý nghĩa đặc biệt hơn với mỗi người dân Việt Nam, là dịp để những người dân tỏ lòng thành tâm hướng về cội nguồn tổ tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi hội tụ tâm linh nguồn cội trong mỗi người dân Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO