Niềm tin chiến thắng là động lực quan trọng để luôn vững tay lái trên đường Trường Sơn!

Hoàng Thanh| 14/05/2019 09:38

Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện vẫn còn nhiều cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh huyền thoại năm xưa. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Bốn hiện ở thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) là người lính từng có thâm niên 10 năm cầm lái trên đường Trường Sơn khói lửa.

Yêu xe như con, quý xăng như máu

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Xuân Bốn khi ông vừa đi dự Kỷ niệm “60 năm Bộ đội Trường Sơn anh hùng” do Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/4 vừa qua. Năm nay ông Bốn đã 81 tuổi nhưng sức khỏe vẫn còn tốt và đầu óc rất minh mẫn. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về dấu ấn những ngày tham gia lái xe vận chuyển trên đường Trường Sơn, ông Bốn đã kể biết bao kỷ niệm...

Ông Nguyễn Xuân Bốn bên những kỷ vật về Trường Sơn

Ông Bốn sinh năm 1938 tại miền quê chiêm trũng Hưng Hà (Thái Bình). So với bạn bè cùng lứa, ông nhập ngũ khá muộn, đến 25 tuổi mới bước chân vào quân ngũ. Ngày 6/8/1963, ông trúng tuyển quân sự và được biên chế vào Đại đội 568, Tiểu đoàn 2 (Quân khu 3). Sau 3 tháng huấn luyện, ông được chọn đi học lái xe tại Ba Vì. Qua 9 tháng đào tạo lái xe, ông được chuyển về Trung đoàn 529, Sư đoàn 471-đơn vị vận tải cơ giới của Bộ đội Trường Sơn. Vào đơn vị, ông được giao chiếc xe tải Zin 3 cầu.

Từ năm 1964 đến năm 1970, đơn vị ông chủ yếu vận chuyển hàng hóa, vũ khí từ Thường Tín (Hà Nội) vào đến Quảng Trị, lúc quay ra thì chở thương binh. Thời gian này, việc vận tải cơ giới trên quãng đường nói trên tương đối “êm” do địch chưa đánh phá ác liệt miền Bắc. Đến năm 1970, đơn vị ông mới trực tiếp tham gia vận tải nhiều trên tuyến đường Trường Sơn, từ Quảng Trị đến Bù Gia Mập (Bình Phước).

Ông Bốn kể lại, được tin vào phục vụ chiến trường, anh em lái xe lúc đó rất quyết tâm dù biết có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Đơn vị chúng tôi biên chế di chuyển theo đội hình trung đội, với hơn 20 xe. Mỗi xe gồm 2 lái xe thay phiên nhau. Thời gian đầu, chúng tôi di chuyển cả ngày lẫn đêm, để tránh địch có lúc phải theo đường nhánh sang đất bạn Lào rồi mới rẽ vào các chiến trường. Những người lính lái xe ngày ấy phải chịu biết bao gian khổ, nhất là khi bị máy bay địch phát hiện thả bom, đánh phá. Nhưng bất chấp máy bay Mỹ quần thảo, gầm rú suốt ngày đêm trên đầu, từng đoàn xe vẫn nối đuôi nhau tiếp lương, tải đạn cho chiến trường miềm Nam ruột thịt.

Không sợ hy sinh nhưng khi xe bị trúng bom đạn của kẻ thù, ngoài việc xót thương đồng đội hy sinh, chúng tôi rất buồn vì hàng hóa bị phá hủy, tốn bao công sức và chiến trường miền Nam đang ngày đêm mong chờ. Ngày ấy hầu hết xe chúng tôi đều không có kính, một phần vì bị bom đạn, một phần vì đường xấu, đúng như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã viết trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính": Không có kính không phải vì xe không có kính/Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi/Ung dung buồng lái ta ngồi/Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhắc lại những kỷ niệm đáng nhớ, giọng ông Bốn chùng lại: Cuối năm 1972, trung đội tôi đang vận chuyển vũ khí vào chiến trường, trên đường Trường Sơn, đoạn thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đồng đội tôi là anh Nguyễn Hữu Sẽ, quê ở Hưng Yên đổi lái cho tôi. Vừa di chuyển được khoảng vài trăm mét thì anh Sẽ bị mảnh của bom từ trường cắt ngang bụng hy sinh. Thấy bạn thương vong, tôi liền cầm lái cho xe vào lề đường. Sau khi chôn cất đồng đội, gạt nước mắt, tôi tiếp tục lên đường. Một kỷ niệm khác nữa là, giữa năm 1973, đoạn đường giữa Binh trạm 28 và Binh trạm 32 bị địch thả bom, đánh phá ác liệt. Đội hình xe bị chia cắt, suốt 2 ngày 1 đêm tôi và đồng đội liên tục lái xe mà không có gì ăn. Chiều tối khi tạm yên, chúng tôi thấy một chiếc lán liền tạt vào nghỉ. Trong lán khi đó có 4 chiếc võng, tôi nghĩ có lẽ bộ đội ta nghỉ. Lúc đó mệt quá, chúng tôi mắc võng rồi đánh một giấc đến sáng. Sáng dậy, cô giao liên binh trạm gần đấy tròn mắt nói, các đồng chí cả đêm qua ngủ với 4 đồng đội đã hy sinh mà chúng tôi chưa kịp chôn cất.

Ân tình không kể sao cho hết

Đầu năm 1974, trong một lần vận chuyển trên tuyến đường thuộc địa phận Kon Tum, xe ông Bốn bị trúng bom của địch, bản thân ông bị bom bi găm đầy người và được đưa đi điều trị. Do bị thương, đến ngày 19/2/1974 ông được đơn vị cho đi an dưỡng tại Nghệ An, sau đó ra quân với cấp bậc Đại úy. Trong quá trình tham gia chiến đấu, ông được Nhà nước, quân đội tặng thưởng nhiều huân chương gồm: Chiến sĩ Giải phóng, Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba, Chiến sĩ vẻ vang. Trở về địa phương, ông tham gia công tác tại hợp tác xã và năm 1977 đưa gia đình vào Đắk Nông sinh sống, lập nghiệp. Mặc dù tuổi cao song hiện ông vẫn nhiệt tình tham gia công tác địa phương và đang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa).

Ông Bốn tâm sự: “Chiến trường ác liệt là thế nhưng niềm tin ở chiến thắng là động lực quan trọng để chúng tôi luôn vững tay lái trên đường Trường Sơn. Ngoài ra, cánh lái xe Trường Sơn còn có niềm động viên tinh thần rất lớn từ người dân, đội ngũ thanh niên xung phong phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Khi lái xe trên đất bạn Lào, chúng tôi được người dân Lào đùm bọc, yêu thương từ miếng cơm, nước uống. Còn ân tình của thanh niên xung phong với bộ đội lái xe thì không kể sao cho hết. Bất kể đêm hôm, mưa rừng, bom đạn, thanh niên xung phong vẫn xẻ núi, băng rừng, ghé vai làm cầu cho xe chúng tôi đi qua. Vì vậy cho đến bây giờ, chúng tôi rất ưu tư vì nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại Trường Sơn và nhiều người vẫn chưa tìm thấy phần mộ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm tin chiến thắng là động lực quan trọng để luôn vững tay lái trên đường Trường Sơn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO