Những điểm mới, sáng tạo trong công tác Tuyên giáo

Nguyễn Văn Dũng| 03/09/2015 08:58

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chăm lo đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bởi theo Người “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”, đặc biệt Người khẳng định về công tác Tuyên giáo: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” và thắng lợi là nhờ vào khả năng “Động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Xác định mục tiêu quan trọng đó, đồng thời bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình, kế hoạch tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả trên các lĩnh vực của công tác Tuyên giáo ở tỉnh. Nhất là tập trung sáng tạo, đổi mới cách làm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả qua một số nội dung trọng tâm.

Ban Tuyên giáo đã tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Việc tổ chức học tập tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh theo chủ đề hàng năm được triển khai kịp thời, đúng trọng tâm, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong nhận thức và hành động cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Lồng với việc triển khai, năm 2011, tổ chức Cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; năm 2015, tổ chức Hội thi kể chuyện “Gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh”; năm 2008, phát hành hơn 3.000 cuốn sách “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” dưới dạng hỏi – đáp bằng song ngữ Việt – M’nông; năm 2010 phát hành 1.500 cuốn sách “Vườn hoa dâng Bác”; năm 2013, 2015 biên soạn 5.000 cuốn tài liệu dưới dạng hỏi – đáp theo chủ đề của năm.

Việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ được gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đáng chú ý là việc thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên ở Đắk Nông, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp khắc phục”. Đây là những cách làm mới, sáng tạo của Tuyên giáo Đắk Nông, góp phần tích cực tác động lớn, chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, niềm tin, tình cảm và đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Việc tuyên truyền về các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn, về kinh tế - xã hội được triển khai bài bản, theo sự kiện, theo chủ đề và được cụ thể bằng những chương trình, kế hoạch, hướng dẫn chi tiết. Trong từng thời điểm cụ thể, do yêu cầu thực tiễn đề ra, đơn vị chủ động đề xuất và trực tiếp biên soạn, phát hành các loại tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền miệng, điển hình là tài liệu tuyên truyền về khai thác, chế biến bô xít, về biển đảo Việt Nam; tài liệu tuyên truyền trong vùng đồng bào Mông, tài liệu tuyên truyền vượt biên trái phép.

Năm 2014 khi chưa có hướng dẫn của trung ương, Ban đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Trong đó, triển khai hướng dẫn theo 3 đợt cụ thể và tạo cơ sở cho việc tổ chức tuyên truyền được thuận lợi, sát với tình hình thực tế ở mỗi cấp, ngành.  

Nhằm đổi mới công tác giao ban báo chí trên địa bàn tỉnh, từ tháng 8/2014, Ban đã tham mưu ban hành Quy chế phối hợp tổ chức giao ban báo chí hàng tháng, quý cùng 3 đơn vị chủ trì và quy định rõ trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, định hướng tuyên truyền và quản lý Nhà nước về báo chí – xuất bản. Qua đó, cung cấp thông tin nhanh, chính thống cho đội ngũ báo chí để tuyên truyền kịp thời, hiệu quả các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hoặc những sự việc, sự vụ đột xuất.

Do điều kiện tỉnh mới nên việc triển khai một số chủ trương, chính sách của địa phương đến với người dân chưa tạo ra sự đồng thuận cao và đó là nhiệm vụ quan trọng cần vào cuộc của Tuyên giáo. Do đó, việc tổ chức các cuộc điều tra dư luận xã hội về những vấn đề bức xúc, xã hội quan tâm là hết sức cần thiết.

Từ năm 2011 đến nay đã thực hiện được 14 cuộc điều tra (cả trực tiếp và phối hợp), điển hình là các lĩnh vực: Công tác tái định cư, nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới, tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và nhà nước trên địa bàn tỉnh; thành tựu kinh tế - xã hội sau 10 năm thành lập tỉnh...

Ngoài ra, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các đơn vị trong tỉnh tiến hành nhiều đợt trên lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể... Báo cáo kết quả điều tra dư luận xã hội trong thời gian qua đã phản ánh khá rõ nét và tương đối toàn diện trên các mặt của đời sống xã hội, cũng như phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, gửi gắm của các tầng lớp nhân dân đối với cấp ủy đảng và chính quyền các cấp và là kênh thông tin giúp cấp ủy tham khảo trong quá trình chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ luôn được quan tâm, nhất là đối với đội ngũ cán bộ trẻ, trong đó việc tổ chức tập thao giảng hàng tuần nhằm nâng cao nghiệp vụ, giúp nắm vững và hình thành kỹ năng thuyết trình trước đám đông, xử lý các tình huống phát sinh trong báo cáo chuyên đề, nói chuyện thời sự, tuyên truyền vận động nhân dân... Đây là cách để cán bộ trẻ có cơ hội tích lũy kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền miệng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điểm mới, sáng tạo trong công tác Tuyên giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO