Nhớ mãi một thuở hào hùng

Hoàng Hoài| 19/08/2016 10:28

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Nâm Nung (Krông Nô) tham gia cách mạng, người thì trực tiếp chiến đấu, người thì giúp đỡ cán bộ, bộ đội, nuôi quân. Tất cả họ đều mong muốn được góp sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng quê hương.

ADQuảng cáo

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất cách mạng Nâm Nung, năm 18 tuổi, ông Y Thoan hiện ở bon Ja Rá, xã Nâm Nung tham gia cách mạng, làm nhiệm vụ thông tin liên lạc. Năm 1962, ông vào bộ đội vũ trang huyện Đức Lập cũ (nay là Đắk Mil) hoạt động tại Khu căn cứ cách mạng B4.

Ông được phân công làm lính trinh sát, có nhiệm vụ cùng đồng đội bảo đảm cho đường hành lang Bắc-Nam đi qua địa bàn được an toàn, thông suốt, giữ vững vùng căn cứ, phát triển lực lượng cách mạng, chống địch càn quét, gom dân lập ấp. Đồng thời, đơn vị ông còn tổ chức diệt ác, phá kìm, đưa dân từ các ấp chiến lược về lại vùng căn cứ cách mạng.

Ông Y Thoan luôn nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của người cách mạng

Theo lời ông Y Thoan kể thì thời điểm này, với sự tuyên truyền, vận động của bộ đội, nhiều thanh niên Nâm Nung tham gia cách mạng, gia nhập lực lượng du kích lắm.

Ông Y Thoan cho biết: “Thời điểm đó, tôi vận động được nhiều bà con cùng làm cách mạng, nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Sống trong cuộc chiến, chúng tôi không còn quan niệm về thời gian nhanh hay chậm, sáng hay tối mà chỉ biết, khi được giao nhiệm vụ nào cũng cố gắng hết sức để hoàn thành. Ngày ấy, đồng bào rất tin tưởng vào cách mạng. Dù chiến tranh thiếu thốn trăm bề, đói cơm lạt muối, lại còn nguy hiểm, nhưng với niềm tin vào Đảng, Bác Hồ, cách mạng, nhà nhà, người người đều nuôi bộ đội, xung phong tham gia kháng chiến. Ngẫm nghĩ lại thấy ngày đó, tình quân dân đoàn kết, thắm thiết và ấm tình lắm”.

ADQuảng cáo

Năm 1975, miền Nam giải phóng, ông Y Thoan được phân công làm Phó Công an huyện Đức Lập. Sau này, ông lại được điều về làm Phó Bí thư Huyện ủy rồi Chủ tịch HĐND huyện Krông Nô và đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Ông Y Thoan chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm thời chiến sao thời bình vậy, phải nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của người cách mạng, luôn bảo vệ cái đúng, cái chính nghĩa, vì nhân dân, nhất là làm sao để bà con luôn tin vào Đảng, Bác Hồ thì cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc…”.

Năm 1964, bà H’Prắk hiện cũng ở bon Ja Rá đi theo cách mạng, làm thông tin liên lạc, báo cáo tình hình địch và vận động bà con trong các bon làng giác ngộ cách mạng. Đến năm 1965, bà cùng gia đình qua Campuchia và trở thành điểm nuôi, che giấu cán bộ cách mạng khi sang đây hoạt động. Bà không nhớ mình đã che giấu bao nhiêu cán bộ, bộ đội, chỉ biết thời điểm đó dù nguy hiểm đến tính mạng thì cũng quyết tâm bảo vệ người của cách mạng…

Bà H’Prắk cho biết: “Lúc đó mình không sợ nguy hiểm gì hết, chỉ mong bộ đội được an toàn, coi bộ đội như anh em trong nhà vậy. Bộ đội cũng rất gần gũi và quan tâm đến gia đình mình”.

Năm 1971, bà H’Prắk làm cơ sở mật của công an ở Đức Lập, bị địch bắt nhưng quyết không khai báo

Năm 1971, bà về lại Đức Lập làm cơ sở mật của công an và động viên bà con tham gia cách mạng, thanh niên trai tráng thì đi chiến đấu, già thì nuôi quân. Khi Đức Lập giải phóng, bà về Nâm Nung sinh sống. Bà còn nhớ như in lần bị địch theo dõi, bắt lăn tay, chụp hình để đưa đi đày ngoài Côn Đảo vì không chịu thừa nhận có anh trai làm cách mạng. Dù chúng ép hỏi, dụ dỗ ngon ngọt, nhưng bà vẫn nhất quyết không khai.

Bà H’Prắk nói: “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nếu mình khai ra những người đi theo cách mạng thì sẽ có tội với gia đình, cách mạng, với Bác Hồ, nên không sợ khổ cực, tra tấn, tù đày. Bây giờ nhiều lúc nghĩ lại, mới thấy, việc mình làm ngày xưa rất đúng và có ý nghĩa”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ mãi một thuở hào hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO