Nghiên cứu, biên soạn ấn phẩm lịch sử: Nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng

Phan Tân| 31/07/2014 09:20

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), ngày 24/12/2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17 “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng”.

Trên cơ sở đó, hầu hết các cấp ủy đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ địa phương, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Đến nay, toàn tỉnh đã xuất bản và phát hành được 10 ấn phẩm lịch sử, như: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 1930- 2005”, “Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-1936)”, “Lịch sử Di tích cách mạng Nhà ngục Đắk Mil (1941-1943)”, “Lịch sử Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đắk Nông”, “Lịch sử công tác Đảng công tác chính trị lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đắk Nông (1930-2005), “Lịch sử Công an nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1960-1975), “Lịch sử Đảng bộ huyện Đắk Mil (tập 2) giai đoạn 1975- 2005”, “Lịch sử Đảng bộ huyện Chư Jút (1945- 2010), “Lịch sử Đảng bộ huyện Đắk R’lấp tập 2 giai đoạn 1975-2005”, “Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Sơn (1959-2010)”…

Một số ngành, địa phương như: Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh, Hội Nông dân, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo…cũng đã và đang triển khai công tác sưu tầm tư liệu và biên soạn lịch sử của mình.

Theo đánh giá thì các công trình đã biên soạn, xuất bản đều đảm bảo tính Đảng, tính khách quan và tính khoa học. Nội dung thể hiện rõ những yếu tố đặc thù của địa phương, gắn kết chặt chẽ với lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào cách mạng của dân tộc; phản ánh và thể hiện một cách chân thực và sinh động, tôn trọng lịch sử.

Việc sưu tầm nghiên cứu, biên soạn cũng đã khắc phục được tình trạng chỉ nhấn mạnh thành tựu, tô đậm thắng lợi mà né tránh những thiếu sót, khuyết điểm. Nhiều công trình chú ý tổng kết thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm ở từng địa phương, góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong sự nghiệp đổi mới cũng như khơi dậy truyền thống đấu tranh bất khuất của quê hương và tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Song song đó, việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng thông qua các ấn phẩm lịch sử Đảng hoặc truyền thống ngành cũng được chú trọng, với nhiều hình thức phong phú như: nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương, truyền thống thành lập cơ quan, ban, ngành; thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống về Đảng, đất nước, địa phương...

Các ngành, địa phương còn tích cực triển khai các chương trình hoạt động về nguồn, gặp mặt nhân chứng lịch sử, thăm di tích lịch sử kháng chiến trên địa bàn tỉnh như: Căn cứ kháng chiến Nâm Nung, Nhà ngục Đắk Mil, Đồi 722… thu hút hàng chục vạn lượt cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia.

Trong hệ thống trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo, các huyện ủy, thị ủy chỉ đạo ngành giáo dục tổ chức những tiết học ngoại khóa cho học sinh tham quan, lao động dọn vệ sinh tại các di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn.

Mặt khác, thông qua hệ thống panô, áp phích, truyền thanh, truyền hình địa phương cũng như thường xuyên tổ chức trọng thể các lễ dâng hương, viếng liệt sĩ….cũng góp phần không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Phát huy những kết quả đạt được, cấp ủy các cấp cũng đang chú trọng đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương và Chỉ thị 17 của Tỉnh ủy, bằng việc sử dụng có hiệu quả các kênh thông tin, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phong phú để tăng cường tính hiệu quả các ấn phẩm lịch sử.

Đặc biệt, việc phát động và tổ chức tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, của quê hương cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thông qua các ấn phẩm lịch sử cũng sẽ được thực hiện sâu rộng, thường xuyên, đi vào thực chất, hiệu quả  hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu, biên soạn ấn phẩm lịch sử: Nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO