Nâng cao chất lương sinh hoạt chi đoàn: Cần đổi mới cả nội dung và hình thức

Hoàng Hoài| 12/09/2018 09:58

Sinh hoạt chi đoàn là một trong những kênh thông tin quan trọng góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương đến đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Thế nhưng, hiện nay, việc sinh hoạt của các chi đoàn trong tỉnh không đồng đều và còn nhiều hạn chế.

Huyện đoàn Đắk R'lấp cho rằng, đổi mới hình thức sinh hoạt chi đoàn là cần thiết để tạo hứng thú trong thanh niên

Còn nhầm lẫn giữa họp và sinh hoạt

Tại Hội nghị chuyên đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn do Tỉnh đoàn tổ chức mới đây, nhiều cán bộ đoàn cơ sở đã mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong sinh hoạt chi đoàn. Đó là, nhiều chi đoàn chưa có sự kết hợp đồng bộ giữa nội dung và hình thức hoạt động. Nhiều nơi, cán bộ đoàn thường xuyên thay đổi, luân chuyển làm ảnh hưởng đến tâm lý đoàn viên. Một bộ phận đoàn viên còn thụ động, bỏ sinh hoạt đoàn.

Các chi đoàn thường bị nhầm lẫn giữa họp chi đoàn và sinh hoạt chi đoàn, dẫn đến cách thức tổ chức còn khô khan, thiếu hấp dẫn. Có nơi còn xem sinh hoạt chi đoàn là hình thức trao đổi thông tin giữa các đoàn viên thông qua phương tiện truyền thông internet, mạng xã hội, chứ không tổ chức sinh hoạt...

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này thì có nhiều, đó là thiếu sự chuẩn bị về nội dung; bí thư chi đoàn yếu về năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ công tác đoàn; nội dung sinh hoạt chưa thiết thực, còn đơn điệu, tẻ nhạt; công tác phối hợp giữa chi bộ, chi đoàn và các tổ chức đoàn thể khác ở địa bàn dân cư chưa đồng bộ…

Để đánh giá xác thực tình hình sinh hoạt chi đoàn trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay, vừa qua, Tỉnh đoàn đã thành lập 13 tổ công tác lấy ý kiến tại 13 huyện đoàn, thị đoàn và đoàn trực thuộc, với sự tham gia của 639 cán bộ đoàn, ĐVTN tại 104 chi đoàn đại diện cho 32.237 đoàn viên đến từ 1.851 chi đoàn trên địa bàn tỉnh.

Qua khảo sát cho thấy, khó khăn lớn nhất dẫn đến sinh hoạt và hoạt động của chi đoàn còn nhiều hạn chế là do nguồn kinh phí hạn hẹp chiếm 40,6%; huy động các nguồn lực trong quá trình thực hiện chiếm 26,3%; ĐVTN không tham gia sinh hoạt chiếm 16,6%; cán bộ đoàn chưa chủ động, tích cực trong tham mưu cho cấp ủy chiếm 7,3%; cấp ủy, lãnh đạo cơ quan chưa quan tâm tạo điều kiện chiếm 6,8%...

Cần nhiều giải pháp thiết thực

Cũng tại hội nghị, vấn đề làm gì và làm thế nào để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn đã được các đại biểu nêu ra. Theo Huyện đoàn Krông Nô, để sinh hoạt chi đoàn bảo đảm mục đích, ý nghĩa đề ra, các chi đoàn cần tập trung duy trì sinh hoạt định kỳ, bảo đảm quy định của Điều lệ Đoàn 1 tháng 1 lần. Đối với đơn vị vùng sâu, vùng xa, đoàn viên phân tán trên địa bàn rộng hoặc thường xuyên đi công tác cần áp dụng cơ chế 3 tháng sinh hoạt một lần. Trong sinh hoạt chi đoàn định kỳ cần chú trọng tính chính trị, chỉ đạo và định hướng các nội dung tuyên truyền giáo dục tư tưởng, chính trị cho ĐVTN.

Nhiều ý kiến cho rằng, chi đoàn cần đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt bắt kịp tình hình của xã hội với nhu cầu của ĐVTN

Đại diện Huyện đoàn Đắk R’lấp cũng cho rằng, các chi đoàn cần đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt theo hướng lồng ghép giữa sinh hoạt định kỳ (hoạt động riêng của đoàn viên trong chi đoàn) với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xã hội tình nguyện để thu hút ĐVTN tham gia cũng như nâng cao chất lượng hoạt động. Hiện nay, Huyện đoàn Đắk R’lấp đã tổ chức đội hình chuyên tham gia sinh hoạt đoàn là bí thư, phó bí thư các chi đoàn. Đội hình này có nhiệm vụ hỗ trợ các chi đoàn yếu kém tổ chức sinh hoạt mẫu và trực tiếp giúp cán bộ đoàn xử lý những vướng mắc, khó khăn trong sinh hoạt. Trên cơ sở đó, các chi đoàn sẽ tiếp tục sinh hoạt định kỳ theo nội dung yêu cầu đã đề ra, có thể linh hoạt kết hợp sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông internet, tạo sự tương tác giữa ban chấp hành chi đoàn với đoàn viên cũng như kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng định hướng dư luận trong ĐVTN.

Đoàn xã Nam Đà (Krông Nô) thì nhấn mạnh đến vai trò bí thư chi đoàn đó là cần chuẩn bị nội dung, điều kiện sinh hoạt cho phù hợp, rèn kỹ năng nói cho thanh niên nghe và nghe thanh niên nói. Trong các cuộc sinh hoạt chi đoàn, ban chấp hành cần định hướng chủ đề, chủ điểm, từ đó xây dựng kế hoạch trọng tâm theo từng tháng, tổ chức họp hoặc hội ý phân công chuẩn bị các nội dung liên quan. Trong sinh hoạt, người “thủ lĩnh” cần tăng cường trao đổi, tương tác phát huy dân chủ trong đoàn viên, tránh tình trạng “độc thoại”. Bí thư chi đoàn cần phải tạo được uy tín, niềm tin đối với ĐVTN trong chi đoàn. Công tác phối hợp giữa chi đoàn và các tổ chức đoàn thể khác ở địa phương cần được thực hiện đồng bộ, phát huy vai trò định hướng của chi bộ, đoàn cấp trên trong việc chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chi đoàn. Tổ chức đoàn cấp trên cần tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ bí thư, phó bí thư đoàn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ công tác đoàn và phương pháp tổ chức sinh hoạt chi đoàn...

Qua khảo sát của Tỉnh đoàn về các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi đoàn, có 426 ý kiến lựa chọn cần đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt bắt kịp tình hình của xã hội với nhu cầu của ĐVTN (chiếm 38,7%); 346 ý kiến lựa chọn cán bộ đoàn phải nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng mềm để triển khai các hoạt động của Đoàn-Hội có hiệu quả (chiếm 31,4%); 281 ý kiến lựa chọn tổ chức đoàn và cán bộ đoàn phải uy tín tạo được niềm tin cho ĐVTN (chiếm 25,5%); 48 ý kiến đề xuất khác (chiếm 4,4%)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lương sinh hoạt chi đoàn: Cần đổi mới cả nội dung và hình thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO