May mắn được sống và chứng kiến bao sự đổi thay thần kỳ của đất nước!

Hoàng Thanh| 02/09/2017 09:34

Trong ký ức của cựu thanh niên xung phong Lê Trọng Ngơi, ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), những năm tháng tham gia kháng chiến chống Pháp và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là những kỷ niệm đẹp không bao giờ phai. Những năm tháng hào hùng ấy đã rèn luyện cho ông ý chí và một niềm tin sắt son vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.

Ông Ngơi lấy việc trị bệnh cứu người làm niềm vui

Một thời hào hùng

Năm 1952, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Lê Trọng Ngơi, quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã tình nguyện tham gia dân công hỏa tuyến. Ngày ấy, Tây Bắc được xác định là địa bàn chiến lược, cần mở thêm nhiều tuyến đường để phục vụ kháng chiến chống Pháp, nên nhiều người dân được huy động tham gia.

Ông Ngơi nhớ lại: “Ngày ấy, tôi tham gia làm đường ở Ngã 3 Tuần Giáo (Lai Châu – Điện Biên). Mọi công việc như đục đá, vận chuyển vật liệu, san lấp đều dùng sức người là chính nên vô cùng gian khổ. Hầu hết mọi người chỉ ở trong những chiếc lán dựng tạm, ăn uống thiếu thốn, vào mùa đông rét buốt, ấy vậy mà không ai kêu than, luôn làm việc nhiệt tình không kể mưa nắng”.

Tham gia mở đường đến cuối năm 1953, ông Ngơi lại xung phong vào đội vận tải phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Do có sức khỏe tốt nên ông được phân công vào đội xe đạp thồ, chuyên thồ lương thực và vũ khí ra tiền tuyến. Tất cả các ngả đường lên Tây Bắc ngày ấy nườm nượp dân công, kẻ thồ người gánh như đi trẩy hội. Không chỉ gian khổ, dân công hỏa tuyến lúc bấy giờ còn bị hy sinh rất nhiều. Chỉ riêng đội thồ của ông mất gần một nửa quân số trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Để xua đi nỗi vất vả, nhọc nhằn, những chàng trai cô gái hát, hò vang cả núi rừng. Ông Ngơi hóm hỉnh: “Cũng nhờ vào điệu hò sông Mã mà tôi đã gặp được bà nhà tôi bây giờ đấy”.

Sau chiến dịch Điên Biên Phủ thắng lợi, ông Ngơi lại xung phong vào lực lượng thanh niên xung phong, tham gia mở nhiều tuyến đường ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La và một số công trình thủy nông. Đến hết năm 1957, ông mới phục viên trở về quê nhà. Sau khi lập gia đình với cô dân công hỏa tuyến cùng quê năm nào, ông Ngơi lại tham gia vào đội xe ngựa thồ của hợp tác xã tại địa phương.

Năm 1967, theo tiếng gọi của Đảng, quân đội, một lần nữa, ông lại xung phong tham gia vào đoàn vận tải tại tỉnh Quảng Bình, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tham gia 6 tháng, ông bị thương, sau khi chữa trị thì xuất ngũ. Ông Ngơi tự hào: “Được tham gia 2 cuộc kháng chiến, đóng góp một phần công sức nhỏ của mình cho cách mạng, tôi rất hạnh phúc”.

Mong sao đất nước mãi thanh bình

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Ngơi và gia đình đã tình nguyện đi kinh tế mới. Thời gian đầu ông ở Di Linh (Lâm Đồng) đến mãi năm 1999 mới chuyển cả nhà sang Đắk Nông lập nghiệp cho tới bây giờ. Ngoài việc làm rẫy, sẵn nghề gia truyền của gia đình, ông còn làm nghề bắt mạch, bốc thuốc cứu người. Hiện hai ông bà đang sống cùng gia đình người con trai cả là anh Lê Trọng Sinh (SN 1962) ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức.

Trước đây, ông Ngơi là một thầy thuốc giỏi có tiếng ở địa phương. Những ngày đi dân công hay thanh niên xung phong, ông đã từng dùng tài nghệ của mình cứu nhiều đồng đội thoát khỏi nhiều căn bệnh như sốt rét, côn trùng độc cắn, thương hàn, cảm sốt… Ông chỉ bắt mạch là biết được người bệnh bị gì, rồi tìm ra “cái gốc” gây bệnh mà bốc thuốc. Bà con quanh vùng bị đau bao tử, viêm xoang, cảm hàn, trĩ, thận, tê nhức…, sau khi uống thuốc của ông là khỏi.

Với tâm nguyện cứu người là chính, khi khám bệnh, ông Ngơi chỉ lấy một số tiền đủ để trả công cho người hái thuốc, còn đối với những người nghèo khó thì miễn phí. Noi gương cha, anh Sinh hiện cũng là một thầy thuốc Đông y giỏi và hành nghề với cái tâm trong sáng.

Sau nhiều năm cống hiến cho cách mạng, về với cuộc sống đời thường, ông Ngơi vui với tuổi già, lấy việc trị bệnh cứu người làm niềm vui. Ông tâm sự: “Tôi cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người, bởi trải qua 2 cuộc chiến vẫn còn lành lặn, còn sống đến ngày hôm nay để chứng kiến bao sự đổi thay thần kỳ của đất nước. Tôi chỉ mong sao đất nước mãi thanh bình để nhân dân được sống yên bình, hạnh phúc và ấm no”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
May mắn được sống và chứng kiến bao sự đổi thay thần kỳ của đất nước!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO