Mặt trận Tổ quốc là lực lượng nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở

Hoàng Bảo| 10/08/2020 07:52

Đó là khẳng định được nêu ra tại Hội nghị trực tuyến công tác dân vận trong hoạt động hòa giải do Ban Dân vận Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân tối cao và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức mới đây.

ADQuảng cáo

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gắn việc thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở thông qua các cuộc vận động, phong trào như “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vì an ninh Tổ quốc”… Với phương châm phát huy tối đa nguồn lực, trí tuệ của lực lượng trí thức, cán bộ hưu trí, người có uy tín thường trú tại địa phương, Mặt trận các cấp trong cả nước phối hợp với chính quyền cùng cấp củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên cơ sở.

Ảnh minh họa

Đến nay, cả nước có 96.605 tổ hòa giải với 600.462 hòa giải viên; trong đó cán bộ mặt trận làm hòa giải viên là 128.091 người (chiếm hơn 21%), cán bộ hội phụ nữ 107.068 người, còn lại là các tổ chức chính trị xã hội khác, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín, hưu trí… Đây được xem là lực lượng đông đảo, tâm huyết, am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm trong cuộc sống nên đã phát huy được vai trò khi tham gia công tác hòa giải cơ sở.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết: “Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, kết hợp đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các chương trình phối hợp giữa MTTQ với các cơ quan, ban, ngành đã nhân lên những giá trị đạo đức tốt đẹp tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích chung, vì cộng đồng... Nhiều khu dân cư không phát sinh vụ việc phải hòa giải, góp phần tích cực xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình hạnh phúc”.

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Ngô Sách Thực, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên trong cả nước đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp trong việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, mở rộng, thu hút được nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia. Hầu hết hòa giải viên đều nêu cao tinh thần tự nguyện, nhiệt tình, trách nhiệm, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, thành thạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở.

Hơn thế nữa, đội ngũ cán bộ mặt trận là những người gần dân, sát dân nhất, nên kịp thời, chủ động nắm bắt tình hình cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh, mâu thuẫn ngay từ đầu trong Nhân dân. “Mặt trận và các tổ chức thành viên đã làm tốt vai trò nòng cốt trong tham gia công tác hòa giải, những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ được giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, hạn chế đơn thư, khiếu nại, tiết kiệm thời gian, tiền bạc của cơ quan Nhà nước và Nhân dân, tạo nên không khí vui vẻ, gắn kết trong cộng đồng dân cư”, ông Ngô Sách Thực cho biết thêm.

Để tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận các cấp trong công tác hòa giải ở cơ sở, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên ở cơ sở phải phối hợp với ngành tư pháp, tòa án các cấp trong triển khai thực hiện, giải quyết hòa giải ở cơ sở. Các cấp, ngành, địa phương cần phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt, người tiêu biểu, có uy tín ở cộng đồng, nắm chắc luật pháp, phân công rõ vai, đúng người, đúng việc. Trong hòa giải phải kiên trì, nắm được tâm tư, nguyện vọng, vận dụng vào từng trường hợp cụ thể; chủ động nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Việc mở rộng các hoạt động tự quản, thực hiện hương ước, quy ước tại cộng đồng, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, chủ động nắm bắt tình hình Nhân dân, kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, khiếu nại, tố cáo kéo dài...cần được chú trọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặt trận Tổ quốc là lực lượng nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO