Mãi mãi được ghi vào lịch sử như một trong những trang chói lọi nhất

Cẩm Trang - Hoàng Bích Hà| 29/04/2020 13:52

Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc bằng chiến thắng ngày 30/4/1975 lịch sử, đất nước hoàn toàn giải phóng Bắc Nam sum họp một nhà, cả dân tộc vang khúc khải hoàn ca. Chiến thắng 30/4 cũng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ, gian khổ của cả dân tộc và cũng là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, “Việt Nam trở thành nơi diễn ra cuộc đụng đầu lịch sử quyết liệt nhất giữa một bên là chủ nghĩa đế quốc xâm lược hiếu chiến nhất, ngoan cố nhất và tiềm lực kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất, với một bên là lực lượng độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”. Bởi vậy, việc mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ đã khó nhưng kết thúc nó lại là vấn đề đòi hỏi phải có sự tính toán khoa học và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và dân ta.

Khó khăn là vậy nhưng Đảng ta kết luận rằng mặc dù địch có lắm súng, nhiều tiền, có tiềm lực kinh tế và quốc phòng hùng hậu gấp ta nhiều lần, nhưng trong cuộc đọ sức này ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Ta thắng vì có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”... Nhưng mặt yếu về vật chất của ta tuy có nhưng chỉ là tạm thời và sẽ khắc phục dần trong quá trình chiến đấu. Sức mạnh của ta bắt nguồn từ sức mạnh của chính nghĩa, của chân lý thời đại, của thế chiến lược cách mạng tiến công, của truyền thống dân tộc quật cường, của quyết tâm giành độc lập tự do và bao trùm lên tất cả là sức mạnh của sự lãnh đạo tài giỏi, thao lược và sáng tạo của Đảng ta.

Chiếc xe tăng đầu tiên (xe 390) của quân giải phóng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở phân tích bối cảnh thế giới, khu vực và quan hệ giữa các nước lớn với nhau, Bộ Chính trị kết luận: “Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn”, Đảng ta hạ quyết tâm “thời cơ này không cho phép lừng chừng, do dự, bởi ngoài thời cơ này không còn thời cơ nào khác. Nếu chậm mười, mười lăm năm thì nguy hiểm đã đành, còn đánh mà đánh không tốt, đánh một cách trầy trật cũng đẻ ra phức tạp. Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ, không ai kịp trở tay”. Đây thực sự là một sáng tạo lớn trong nghệ thuật chỉ đạo kết thúc chiến tranh, thể hiện tầm cao trí tuệ, tư tưởng và truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam, điều đó vượt lên trên mọi toan tính của các nhà hoạch định chính sách phía Mỹ, đồng thời đập tan những luận điệu xuyên tạc về “các cuộc tắm máu” của các thế lực thù địch.

Trước sự chuyển biến của tình hình, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (họp từ ngày 30/9 đến 8/10/1974) quyết định phương án hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976. Tuy nhiên, đến tháng 3/1975, nhân tố mới đã xuất hiện sau đòn tấn công chiến lược tại chiến trường Tây Nguyên và các chiến trường phối hợp cho thấy ta có khả năng giành thắng lợi to lớn và nhanh hơn dự kiến, Bộ Chính trị đã bổ sung quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam trong tháng 4/1975, trước mùa mưa. Như vậy, vấn đề thời cơ đã xuất hiện, nền tảng giành chiến thắng đã được xây dựng nhưng phải đánh như thế nào để tạo thế bất ngờ cho địch. Trong thời gian đầu cuộc kháng chiến, đồng chí Lê Duẩn đề ra phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhưng không thực hiện được. Sau đó, Bộ Chính trị xây dựng chủ trương mới đó là thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, tức là tiến công quân sự phải đi trước một bước để hỗ trợ và kết hợp với nổi dậy của Nhân dân. Quyết tâm chiến lược của Đảng là phải “làm nhanh, làm gọn, làm triệt để và khôn khéo” để gây bất ngờ; phải “tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương”, nhằm “động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, đưa chiến tranh cách mạng phát triển đến mức cao nhất, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân ngụy, đánh chiếm Sài Gòn cũng như tất cả các thành thị khác, đánh đổ ngụy quyền ở Trung ương và các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, tiến tới thống nhất nước nhà”. Có thể nói, việc chọn thời cơ chiến lược và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam vào thời điểm 1975 là một quyết định rất dũng cảm và táo bạo. Đây là kết quả của trí tuệ tập thể Bộ Chính trị, sự cân nhắc kỹ lưỡng và không ngừng tích lũy kinh nghiệm từ mấy chục năm chiến đấu trên chiến trường.

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón quân giải phóng tiến vào thành phố. Ảnh tư liệu

Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975), Bộ Chính trị điện chỉ thị cho Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phải tập trung lực lượng ở Thừa Thiên Huế đánh vào và từ Nam - Ngãi đánh ra, nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch ở Đà Nẵng, không cho chúng rút chạy để co cụm về giữ Sài Gòn. Khi Đà Nẵng giải phóng (29/3/1975), đồng chí Lê Duẩn điện cho đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam yêu cầu phải “hành động hết sức kịp thời, kiên quyết và táo bạo”. Ngày 1/4/1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, bất ngờ, chắc thắng” với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”. Cùng với đó, để thúc đẩy nhanh hơn nữa các hoạt động tác chiến, kịp thời chớp thời cơ quý báu, ngày 7/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh ra mệnh lệnh cho các cánh quân: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”. Với tinh thần đó, năm cánh quân chủ lực hùng mạnh của ta tiến hành tổng tiến công vào Sài Gòn cùng với sự phối hợp chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương và phong trào nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng Nhân dân, chúng ta đã đập tan sự kháng cự của địch, buộc nội các chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện...

Có thể nói, việc xác định thời cơ, tạo thời cơ và chớp lấy thời cơ cũng như trong chỉ đạo cụ thể mở các chiến dịch, chọn hướng tiến công mở đầu cho thấy Đảng ta rất chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đảng ta đã “biết kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến hợp với thời cơ lịch sử, có lợi nhất cho cách mạng nước ta và thế giới”. Đây cũng là một đóng góp to lớn của Đảng vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh cách mạng.

Một góc TP. Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh tư liệu

Để lại mốc son chói lọi trong lịch sử

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12/1976 đã khẳng định về chiến thắng 30/4/1975 như sau: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, là một sự kiện quan trọng có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc, làm nức lòng bạn bè và Nhân dân tiến bộ khắp thế giới. Trong báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ IV cũng chỉ rõ: “Đối với thế giới, thắng lợi của Nhân dân ta đã đập tan cuộc phản công lớn nhất của tên đế quốc đầu sỏ chĩa vào các lực lượng cách mạng kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy lùi trận địa của chủ nghĩa đế quốc, mở rộng trận địa của CNXH, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy, làm yếu hệ thống đế quốc chủ nghĩa, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của các trào lưu cách mạng thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên khắp Trái đất đang đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và CNHX”.

Chiến thắng 30/4 đã đi qua 45 năm, đủ để chúng ta cảm nhận đầy đủ câu nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Bác Hồ. Hơn lúc nào hết, trong công cuộc công nghiệp hóa và phát triển kinh tế ngày nay đòi hỏi chúng ta phải luôn nuôi dưỡng và phát huy tinh thần 30/4, trí tuệ 30/4, sức mạnh 30/4 vào cuộc cách mạng công nghệ cao với tinh thần chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực xã hội, hướng tới xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và phồn vinh.

Chiến thắng 30/4/1975, cũng chính là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thắng lợi của đường lối và phương hướng cách mạng đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, tự chủ và chủ nghĩa xã hội, đường lối chiến tranh Nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, thì chiến thắng 30/4/1975 đã thức tỉnh, cổ vũ hàng trăm triệu ng­ười đứng lên dũng cảm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành lại độc lập dân tộc, đư­a đất nư­ớc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, phá vỡ phòng tuyến phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc ở Đông Nam Á...

Đã 45 năm đất nước độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, chúng ta càng tin tưởng và tự hào hơn về Đảng ta, tự hào về dân tộc ta, một dân tộc đã từng làm nên những chiến thắng chấn động địa cầu... Trong 45 năm xây dựng kiến thiết, hơn 30 năm đổi mới đất nước ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Cả đất nước đã và đang bước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Kinh tế tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; văn hóa, xã hội có nhiều bước phát triển. Diện mạo đất nước và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đang ngày càng nâng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mãi mãi được ghi vào lịch sử như một trong những trang chói lọi nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO