Lý Tự Trọng – hạt nhân “Thanh niên Cộng sản Đoàn” đầu tiên của Đảng

Vũ Hà| 13/10/2017 09:43

Nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Thanh niên Cộng sản Đoàn, mùa hè năm 1926, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử Hồ Tùng Mậu, người đồng chí thân thiết của mình đến Thái Lan chọn một số thiếu niên con em các gia đình yêu nước đưa sang Quảng Châu đào tạo.

Tượng đài Lý Tự Trọng tại Thủ đô Hà Nội

Tại Thái Lan, việc lựa chọn người của Hồ Tùng Mậu và các sĩ phu được thực hiện rất thận trọng. Trong số 8 thiếu niên được lựa chọn có một học sinh mới chỉ 12 tuổi. Song cuối cùng, xét về cả tư chất và thân nhân, Hồ Tùng Mậu quyết định đưa vào danh sách. Đó là Lê Hữu Trọng, quê gốc ở xã Thạch Minh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, sinh ra tại làng Bản Mạy, tỉnh NaKhon - Thái Lan, trong một gia đình Việt kiều yêu nước.

Ở Thái Lan, Trọng được học chữ Việt, sau đó được gia đình cho học tiếp 3 năm tại một trường Hoa kiều. Tư chất vốn thông minh, chăm chỉ nên Trọng có thể đọc sách báo bằng các thứ tiếng Việt, Thái, Hoa, Anh. Đặc biệt sinh ra trong một gia đình có truyền thống chống Pháp xâm lược, Trọng sớm có tinh thần yêu nước.

Sang Trung Quốc, Trọng được Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội cử học ở Đại học Tôn Trung Sơn. Ngày nghỉ học, anh thường về cơ quan Tổng bộ Hội Thanh niên làm liên lạc và nhiều việc khác. Ở đây, anh thường gặp Nguyễn Ái Quốc, được Người dạy bảo và đổi tên là Lý Tự Trọng. Do tích cực học tập và công tác, Trọng trở thành một trong 8 đoàn viên Thanh niên Cộng sản đầu tiên của Việt Nam và là đoàn viên nhỏ tuổi nhất (15 tuổi).

Trước yêu cầu mới của cách mạng, năm 1929, Lý Tự Trọng được tổ chức cử về nước hoạt động với nhiệm vụ thành Đoàn thanh niên cộng sản, làm liên lạc giữa các cơ sở ở các tàu quốc tế với Xứ ủy Nam Kỳ và các cấp bộ Đảng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngoài ra, mỗi lần có cán bộ quốc tế làm việc với Đảng ta, anh lại được cử làm phiên dịch.

Chủ nhật ngày 09/02/1931, trong buổi kỷ niệm một năm cuộc bạo động Yên Bái, khi Phan Bôi, một cán bộ của Đảng lên diễn thuyết trước quần chúng thì thanh tra mật thám Pháp Le Grand xông vào bắt, Trọng đã dùng súng bắn chết hắn tại chỗ. Ngay sau đó, Lý Tự Trọng bị cảnh sát Pháp bắt và đưa về  bót Catina để tra tấn với những cực hình dã man nhưng không làm lay chuyển được ý chí của anh.

Trong xà lim, Lý Tự Trọng làm bạn với "Truyện Kiều" của Nguyễn Du do vợ tên chủ khám biếu. Mọi chi tiết về người tù án chém "Trọng con" được những tên gác ngục, chủ khám truyền ra ngoài với một lòng kính phục: "Ông nhỏ ngày nào cũng tập thể dục! Nhìn ông nhỏ sống không ai tưởng tượng là ông sắp bị án chém tử hình”. Kẻ thù kinh ngạc và thốt lên: "Thật là một con người gang thép!".

Về giờ phút cuối cùng của Lý Tự Trọng, bà Angđơrê Viôlít đã viết: "Ngày 21/11/1931 thì Huy (tên của Trọng bấy giờ) bị đem xử tử. Sài Gòn hết sức xúc động. Hôm ấy phải ra lệnh thiết quân luật. Từ khám lớn vang ra ngoài đuờng phố, tiếng la hét của tù chính trị. Tiếng thét từ lồng ngực và từ trái tim của họ đã đi theo Huy ra trường chém. Phải điều quân đội và lính cứu hỏa để phun nước đàn áp họ... Trước máy chém, Huy định diễn thuyết, song hai tên sen đầm nhảy xô đến không cho anh nói. Người ta chỉ nghe thấy tiếng anh kêu "Việt Nam! Việt Nam!".

Dũng khí đấu tranh của anh mãi mãi khắc ghi vào lịch sử đấu tranh của Đảng ta. Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên, một tấm gương sáng ngời khí phách anh hùng cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý Tự Trọng – hạt nhân “Thanh niên Cộng sản Đoàn” đầu tiên của Đảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO