Luật hóa an toàn, vệ sinh lao động rất cần thiết, cấp bách

TÔN THỊ NGỌC HẠNH| 26/05/2015 09:50

Báo Đắk Nông giới thiệu những ý kiến đóng góp của bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh tại phiên thảo luận, góp ý vào Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII).

Đồng chí Lê Diễn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 22/5. Ảnh: Đoàn ĐBQH

An toàn, vệ sinh lao động (nhất là an toàn lao động), là nội dung cần được quan tâm, luật hóa. Những vụ việc mất an toàn trong lao động nổi cộm đã xảy ra trong thời gian qua tại một số địa phương, nói lên tính cần thiết, cấp bách được luật hóa trong tình hình hiện nay.

Qua nghiên cứu dự án luật cho thấy tính khách quan trong nội dung khi soạn thảo. Tuy nhiên, theo tôi vẫn còn một số vấn đề nhỏ cần chỉnh sửa như sau:

Một là, ở điều 18 “Kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố gây hại”, theo tôi, cần sửa lại nội dung hoặc tiêu đề điều khoản này để thống nhất giữa hai phần này với nhau. Theo điều 18 dự thảo, thì người sử dụng lao động cần kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố gây hại định kỳ hằng năm, trên cơ sở kết quả quan trắc của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên Môi trường.

Tôi nghĩ yếu tố nguy hiểm, yếu tố gây hại luôn rình rập người lao động, do đó, có lẽ, nội dung điều 18 như dự thảo có thể là đang nói về cơ chế chăng; người sử dụng lao động bắt buộc phải luôn kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố gây hại cho người lao động, chứ không thể chỉ làm việc này theo hạn định một lần trong một năm được. Tôi đề nghị sửa lại nội dung điều 18 cho rõ ràng hơn.

Hai là, điều 21 quy định “Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động”. Tôi không phản bác những nội dung quy định người sử dụng lao động cần làm để có lợi cho sức khỏe người lao động nói chung; tuy nhiên, ở đây có một thuật ngữ cần giải thích là “người lao động lớn tuổi”. Vậy thế nào là người lao động lớn tuổi? Tuổi bao nhiêu mới đạt được chuẩn này? Cần phải phân biệt rõ để áp dụng vào thực tiễn cho thống nhất.

Ba là, tại điều 26 “Điều dưỡng phục hồi sức khỏe”, nguyên văn “Hằng năm, tùy theo điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động có thể tổ chức cho người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có sức khỏe kém được điều dưỡng phục hồi sức khỏe”.

Theo tôi, cần phải chặt chẽ trong nội dung điều luật, không thể “tùy theo điều kiện cụ thể” và “có thể” một cách chung chung được và hơn nữa, nếu người lao động có sức khỏe kém vì làm việc, vì lao động cống hiến thì chấp nhận cho điều dưỡng phục hồi sức khỏe, còn nếu không vì thế thì không chấp nhận.

Ở đây vấn đề muốn nói chính là cách diễn đạt nội dung, tôi đề nghị cần phải chỉnh sửa cho thật tốt, tránh hiểu nhầm hoặc bị bắt bẻ khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn.

Bốn là, tại điều 30, khoản 4 có nội dung: “Việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trong quá trình sử dụng phải trả phí kiểm định theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí”.

Theo tôi, việc thanh toán chi phí khi bắt buộc phải kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư là điều rất bình thường, là đương nhiên. Cần phải trả phí cho cơ quan đơn vị đã bỏ công sức, thời gian để thực hiện kiểm định máy móc, thiết bị, vật tư; trả phí vì thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Rõ ràng nội dung này đã được thể chế hóa bằng các luật khác; do đó, không nhất thiết trong luật này phải có khoản 4 trong điều 30.

Ở trong dự thảo luật, nhiều nội dung có nhắc đến đối tượng, nhắc đến thuật ngữ “hộ gia đình”. Hơn ai hết, chúng ta cũng biết rằng luật Dân sự đang được dự thảo sửa đổi, chưa thống nhất thông qua, đặc biệt là chưa thống nhất rõ ràng về chủ thể trong quan hệ dân sự là tổ chức, là pháp nhân, là cá nhân và cả đối tượng hộ gia đình. Do đó, cũng rất mong Ban soạn thảo phải hết sức cân nhắc đối với nội dung này.

(*): Đầu đề do Tòa soạn đặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật hóa an toàn, vệ sinh lao động rất cần thiết, cấp bách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO