Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015): Bác Hồ suốt đời gắn bó với nhân dân

L.H| 19/05/2015 09:45

Sinh ra trong một gia đình Nho nghèo, cùng sống với các tầng lớp nhân dân lao động, Hồ Chí Minh đã sớm có quan niệm và lối sống gắn bó với nhân dân. Khi còn đang là học sinh Trường Quốc học Huế, Người đã xuống đường hòa vào dòng người biểu tình chống sưu cao, thuế nặng.

Bôn ba qua nhiều nơi trên thế giới trong gần 10 năm đầu sống ở nước ngoài, Người làm đủ nghề để kiếm sống, để hoạt động cách mạng. Sự gắn bó với nhân dân trong những năm hoạt động ở nước ngoài và sau khi về nước không chỉ thể hiện quan điểm xuyên suốt gần dân, gắn bó với dân của Hồ Chí Minh, mà còn là một trong những nguyên nhân thành công trong cuộc đời cách mạng rất phong phú và nhiều gian nan của Người.

Bác Hồ thăm và nói chuyện với bà con nông dân xã viên Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, năm 1954. Ảnh tư liệu

Khi trở thành lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, Người vẫn sống cuộc sống bình thường, ở trong ngôi nhà dành cho những người lao động. Dù bận giải quyết nhiều công việc hệ trọng, Người vẫn quan tâm sâu sắc cuộc sống hàng ngày của các tầng lớp nhân dân, phát hiện và thưởng hơn 5.000 huy hiệu Hồ Chí Minh cho những người tốt, việc tốt. Trong 10 năm (1959 – 1969), ở tuổi 70, Người đã có trên 700 lần đi xuống cơ sở thăm và tìm hiểu cuộc sống của nhân dân. (Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2015).

Bác Hồ kính yêu của nhân dân ta, dân tộc ta là một tấm gương sáng ngời nhất về phong cách làm việc. Trong tác phẩm của mình, như: "Đường kách mệnh", "Sửa đổi lối làm việc", Bác đã chỉ rõ cho cán bộ, đảng viên phải làm việc và sống như thế nào để phục vụ nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn. Không những chỉ dẫn, mà trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đã nêu cao tấm gương phong cách làm việc. Phong cách của Bác phản ánh phẩm chất cao đẹp của người cộng sản, cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, cho lợi ích của nhân dân, dân tộc.

Học tập phong cách làm việc của Bác, trước hết là học tập tính dần gũi với nhân dân. Gần gũi với dân thì được nhân dân chỉ bảo nên làm gì và không nên làm gì. Gần gũi với dân thì dân ủng hộ ta, dẫu công việc khó khăn đến mấy cũng xong, không có dân thì việc gì làm cũng không xong.

Bác Hồ đã đi vào lòng quần chúng bằng trái tim đầy nhân hậu. Người đã đi vào ngóc ngách cuộc sống của người dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Bác đã đến với những gia đình nghèo khó, đến với ruộng đồng, làng mạc xa xôi, hẻo lánh, cũng như trong kháng chiến Bác đã cùng với chiến sĩ hành quân. Bác đã đến với chiến sĩ đang nhằm thẳng quân thù mà bắn. Bác đi thăm nhà bếp, nhà vệ sinh, chỗ ở của gia đình, tập thể, nói chuyện với mọi lớp người. Tính bình dị của Bác trong đối nhân xử thế, ăn mặc, dễ gần dân và dân dễ gần. Bác không hành động xã giao mà hành động thực sự như cầm gàu tát nước, cuốc đất thực sự chứ không phải làm tượng trưng, chiếu lệ.

Phong cách quần chúng của Bác Hồ là một bài học vô cùng quý báu đối với cán bộ, đảng viên có cái tâm đối với dân trong mọi hoạt động của mình: Luôn quan tâm đến đời sống của dân, liên hệ chặt chẽ với dân.

Một bài học quan trọng khác mà Bác đã để lại cho chúng ta là cần phải thận trọng trong công việc. Bác căn dặn “Gặp một vấn đề…phải suy tính kỹ lưỡng, chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, gặp sao làm vậy” (Sửa đổi lối làm việc). Theo Bác, muốn làm lãnh đạo tốt phải gắn chặt với quần chúng và phải tổ chức chỉ đạo rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra. Bác còn căn dặn, mỗi khi làm xong công việc cần phải đúc kết rút kinh nghiệm, tổng kết kinh nghiệm sau khi phân tích có lý có tình trên cơ sở khoa học để làm “khuôn phép” cho những việc khác. Đó là cái chìa khóa phát triển công tác và giúp cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài học thứ ba là công việc phải thiết thực, cụ thể. Lúc sinh thời, Bác kịch liệt lên án bệnh thành tích, quan liêu trong soạn thảo các văn bản, không gắn với thực tế, không dựa vào nhân dân. Để sửa bệnh hình thức, quan liêu, theo Bác là cán bộ không được ngồi ở bàn giấy nghe người khác báo cáo rồi vẽ ra kế hoạch. Vì vậy, Bác khuyên cán bộ, đảng viên luôn tự đánh giá mình qua tự phê bình và phê bình để khắc phục thói hư, tật xấu. Bác dạy: “Nếu đảng giấu khuyết điểm của mình, đó là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, như thế, mới là một đảng tiến bộ, chân chính”.

Bác Hồ đã để lại nhiều bài học về phong cách làm việc và ba bài học nói trên là cốt lõi mà chúng ta cần phải quán triệt để đổi mới phong cách làm việc ngày càng tốt hơn, vì mục đích phục vụ nhân dân, phục vụ dân tộc, đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015): Bác Hồ suốt đời gắn bó với nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO