Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia nhiều ý kiến thảo luận tại tổ

Quỳnh Ngân| 24/10/2016 10:49

Trong 2 ngày 21-22/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Nông tham gia 4 buổi thảo luận tổ tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Huế và Bình Thuận.

ADQuảng cáo

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Với 9 lượt tham gia phát biểu thảo luận, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị đóng góp vào các dự thảo. Cụ thể, về kế hoạch tài chính và huy động sử dụng vốn, ĐB Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ ngoại giao nhấn mạnh, trong chính sách chung, huy động nguồn ngân sách cho phát triển lâu dài (chi thường xuyên là 75%, chi cho đầu tư phát triển là 25%) nhưng theo dự báo nguồn chi thường xuyên tiếp tục tăng; đồng thời chúng ta đã đến hạn trả nợ nước ngoài và số nợ phải trả cũng tăng. ĐB nhấn mạnh giải pháp cần thiết là cắt giảm biên chế, tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017, ĐB Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thống nhất cao đối với sự cần thiết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 3, điều 1 của Nghị quyết số 55/2010/QH12 để tạo điều kiện ổn định đời sống và phát triển kinh tế cho nông dân.

ADQuảng cáo

Đại biểu cũng đề nghị cần xem lại cơ chế chính sách chuyển đổi đất đai, nhất là trong nông - lâm nghiệp; việc giao đất cho các nông - lâm trường ồ ạt thời gian qua gây xáo trộn cuộc sống, không gian văn hóa,... của người dân, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ; ảnh hưởng đến an ninh trật tự, môi trường, tình hình kinh tế - xã hội địa phương.

Góp ý vào Dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, ĐB Võ Đình Tín, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu thiết lập thêm khoản kết hợp tại điều 260 để điều chỉnh các đối tượng khi tham gia giao thông đường bộ gây tai nạn mà hậu quả làm chết 1 hoặc nhiều người, đồng thời làm 1 hoặc nhiều người khác bị thương. Hiện nay, quy định về khung hình phạt mới chỉ dừng lại ở các trường hợp làm chết người hoặc gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe nên khi áp dụng vào thực tế thì người đồng thời gây ra chết người và làm người khác bị thương chưa có khung hình phạt tương ứng. Tương tự như vậy, chúng ta cần dẫn chiếu qua 43 điều luật có khung hình phạt tương tự để đạt đến tính thống nhất và tính cụ thể.

Bên cạnh đó, đại biểu Võ Đình Tín cũng kiến nghị tại điều 52 (các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự) và điều 325 (tội dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 tuổi phạm pháp) cần phải sửa đổi hoặc có văn bản hướng dẫn vì các điều này thuộc tình tiết tăng nặng, vừa là định tội vừa là định khung rất mâu thuẫn. Điều 325 quy định hành vi "xúi giục người dưới 18 tuổi hoạt động phạm tội" là hành vi mà người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt từ 1-5 năm, tuy nhiên tại điều 52 thì quy định đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Việc quy định đối lập này gây tranh cãi khi các cơ quan tiến hành tố tụng xác định khung hình phạt.

Nhìn chung, phát biểu thảo luận của Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông được tổ thảo luận tiếp thu, đánh giá cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia nhiều ý kiến thảo luận tại tổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO