Kiên định và hiện thực hóa: "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”

Nguyễn Văn Thanh| 02/09/2019 07:14

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) là mục tiêu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn. 74 năm qua, dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh hùng hồn với thế giới rằng: “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy…”(1).

ADQuảng cáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tự do, độc lập là quyền bất khả xâm phạm của các dân tộc. Ảnh tư liệu

Thấm thoắt đã 74 mùa Thu Cách mạng, đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ, 33 năm (1986-2019) đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Thành tựu hơn 30 năm qua giúp chúng ta ngày càng nhận thức rõ con đường đi lên CNXH, ngày càng thấy rõ tính đúng đắn của công cuộc đổi mới đất nước, một công cuộc đổi mới mang tính tổng thể, sâu sắc và được chuẩn bị hết sức bài bản với những bước đi được tính toán kỹ lưỡng phù hợp với đặc điểm tình hình của Việt Nam.

Đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã phát huy sức mạnh tổng hợp là độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc được giữ vững; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, tạo ra những điều kiện hết sức thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, toàn diện và vững chắc. Thành tựu ấy, không chỉ các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý, các chuyên gia mà mọi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đều ghi nhận qua cuộc sống hằng ngày, qua bộ mặt của các địa phương và cả nước.

Trong giai đoạn tiếp theo chúng ta phải kiên định lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội… Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền, biển, đảo, vùng trời và giữ được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” (2). Mục tiêu của Đảng: Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên vị trí hàng đầu; trong đó khẳng định ý chí quyết tâm, “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; không để đất nước bị động, bất ngờ, không để mất đất, mất đảo, mất dân.

Về đối ngoại, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” (3). Qua đây cho thấy rằng, Việt Nam luôn nhất quán trong việc đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các xung đột, tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam là một quốc gia đa dạng văn hóa, rộng mở, bao dung, truyền thống này rất thích hợp với yêu cầu hội nhập của xã hội hiện đại. Chủ nghĩa Mác-Lênin ăn sâu bám rễ được ở Việt Nam, hòa quyện với văn hóa Việt Nam chính nhờ tinh thần bao dung này.

Sau 74 năm qua, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (4) của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản “Tuyên ngôn độc lập” là biểu hiện cao nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, là tư tưởng mang tầm chân lý, một chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc. Cụm từ  “độc lập, tự do” có nội hàm rộng lớn, giá trị to lớn và tính cách mạng sâu sắc. Đây không chỉ là độc lập, tự do của Tổ quốc mà còn là hạnh phúc của Nhân dân; đó không chỉ được thể hiện trong đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược, mà còn thể hiện sâu đậm trong quá trình xây dựng CNXH.

CNXH ở Hồ Chí Minh không phải là những giáo điều cứng nhắc, xa lạ với lợi ích vật chất và tinh thần của con người, mà nó hết sức cụ thể và thiết thực. Người nói: "Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho Nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc"(5)... Có thể gọi đó là CNXH "dân giàu, nước mạnh", một quan niệm về CNXH phù hợp với quan niệm truyền thống của dân tộc Việt Nam và hợp với xu thế của thời đại ngày nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Giành độc lập đã khó, giữ gìn độc lập còn khó hơn nhiều”. Muốn có độc lập - tự do lâu dài thì phải lao động quên mình để đất nước phồn vinh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ngày nay, trong một thế giới đang diễn ra mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa, đan xen nhiều mối quan hệ phức tạp, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh gay gắt giữa các nước, giữa các nền chính trị, kinh tế và văn hóa khác nhau, sự hưng thịnh hay tồn vong của mỗi quốc gia, dân tộc không còn chỉ là chuyện riêng của từng quốc gia hay dân tộc. Trong nước, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để chống phá cách mạng nước ta... Ðiều đó đã tạo ra cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia, nhất là với các nước nhỏ trong việc bảo vệ lợi ích, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta phải thật sự thấm nhuần bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. “Phát huy vai trò quyết định nội lực” (9). Nội lực bao gồm cả “sức mạnh cứng” bao gồm thực lực kinh tế và quốc phòng lẫn “sức mạnh mềm” bao gồm trí tuệ con người, đường lối chính sách đúng đắn, thể chế phù hợp, năng lực quản trị quốc gia...

ADQuảng cáo

Thời cơ đan xen thách thức, bánh xe lịch sử vẫn đang xoay tiếp những vòng đi tới. Hơn bao giờ hết, chân lí “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội’ mãi mãi thôi thúc tinh thần dân tộc, tinh thần vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cho mỗi người dân Việt Nam khi những cơn sóng dữ đang hình thành trên vùng chủ quyền Biển Đông của Việt Nam.

Nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2019), mỗi người dân Việt Nam lại thấm thía giá trị thiêng liêng của hòa bình, tự do, độc lập và sự bình yên, phát triển của cuộc sống hôm nay; càng thêm tin vào Ðảng Cộng sản Việt Nam và kiên định chân lý: “Ðộc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Chú thích:

(1) - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG – Sự Thật, H, 2011, t.4, tr.3.

(3, 8, 9) - Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, trang 145-146, 154-155, 87, 35.

(4) - Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 15, tr. 30.

(5) - Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 8, tr. 603.

(6) - Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 3, tr 488.

(7) - Hồ Chí Minh Toàn tập, sđd, tập 2, tr 320.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên định và hiện thực hóa: "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO