Không bổ sung “cháy rừng do tự nhiên” là một loại hình thiên tai

Phan Tân| 28/05/2020 17:35

Tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ 8 Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 28/5, Quốc hội đã thảo luận dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Đây cũng là ngày cuối cùng Quốc hội thực hiện kỳ họp thứ 9 bằng hình thức trực tuyến và sau đó đợt 2 sẽ họp tập trung tại hội trường.

ADQuảng cáo

Tham gia góp ý, thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, đại biểu Võ Đình Tín, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị không bổ sung “cháy rừng do tự nhiên” là một loại hình thiên tai theo khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống thiên tai được sửa đổi, bổ sung theo khoản 1 Điều 1 của dự thảo luật.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia kỳ họp thứ 9 chiều 28/5 phiên họp trực tuyến cuối cùng

Theo đại biểu, Báo cáo giải trình, việc bổ sung “cháy rừng do tự nhiên” là loại hình thiên tai có nguyên nhân chủ yếu là “việc khống chế các vụ cháy rừng đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; phải sử dụng bộ máy của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn để ứng phó”. Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ, báo cáo tổng kết thi hành pháp luật và báo cáo đánh giá tác động về dự án luật lại không đề cập những bất cập của việc phòng cháy, chữa cháy rừng trong thực tế, cũng như sự cần thiết phải bổ sung loại hình thiên tai “cháy rừng do tự nhiên” để quy định trong dự thảo luật.

ADQuảng cáo

Hiện nay, việc phân định, phối hợp trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng đã được quy định chi tiết, cụ thể trong Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này. Do đó, việc bổ sung “cháy rừng do tự nhiên” thành loại hình thiên tai để áp dụng cơ chế ứng phó thiên tai của Luật Phòng, chống thiên tai có thể dẫn đến xung đột trong việc thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng đã được quy định tại các luật nêu trên.

Mặt khác, theo quy định của Bộ luật Hình sự, tổ chức, cá nhân có hành vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây cháy rừng hoặc hành vi hủy hoại rừng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng. Do đó, quy định “cháy rừng do tự nhiên” tại dự thảo luật đã loại trừ yếu tố chủ quan của con người trong việc gây cháy rừng và hủy hoại rừng. Điều này, có thể trở thành kẽ hở để “lách” chế tài hình sự áp dụng đối với tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây cháy rừng và hủy hoại rừng quy theo định tại Bộ luật Hình sự.

Về điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai (Điều 13a được bổ sung theo khoản 9 Điều 1 của dự thảo luật), cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định trên cho phù hợp và tránh lãng phí nguồn lực trong hoạt động điều tra. Bởi Điều 17 của Luật Khí tượng thủy văn cũng đã quy định về nội dung điều tra khí tượng, thủy văn để phục vụ công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, nội dung điều tra này lại không thuộc nội dung điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai quy định tại Điều 13a của dự thảo luật. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 13a của dự thảo luật “Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụi được giao và gửi kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quản lý”.

Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan đã tiến hành điều tra theo quy định của Luật Khí tượng thủy văn phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai lại không được coi là điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai. Hơn nữa, một số nội dung điều tra cơ bản quy định tại Điều 13a của dự thảo luật chưa mang tính chất điều tra cơ bản như mục đích của điều luật, chẳng hạn như điều tra cơ bản về “Hiện trạng về cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách, nhân lực, tài chính, trang thiết bị trong hoạt động phòng, chống thiên tai; hiện trạng hệ thống thông tin, quan trắc, giám sát thiên tai và các dữ liệu phòng, chống thiên tai”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không bổ sung “cháy rừng do tự nhiên” là một loại hình thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO