Khởi sắc xã biên giới Thuận Hà

Lam Giang| 17/10/2017 10:19

Vượt qua những khó khăn của những năm đầu mới thành lập, xã biên giới Thuận Hà (Đắk Song) hôm nay đã thật sự khởi sắc. Trong 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Thuận Hà tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cũng như khai thác tiềm năng lợi thế sẵn có để thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.

Cây hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của xã Thuận Hà

Đoàn kết, vượt qua gian khó

Năm 2007, xã Thuận Hà được thành lập trên cơ sở chia tách, điều chỉnh diện tích tự nhiên, dân số của các xã Đắk Song (nay là xã Nam Bình), Đắk N’drung và Thuận Hạnh. Những ngày mới thành lập, xã Thuận Hà còn rất nhiều khó khăn như trình độ dân trí còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu, đời sống nhân dân thiếu thốn, tỷ lệ đói nghèo cao, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Kết cấu hạ tầng của xã hầu như chưa có gì đáng kể. Đường giao thông lầy lội, đứt quãng, điện chỉ có một số nơi người dân tự kéo từ xã khác, vùng đồng bào chưa có điện lưới quốc gia. Hệ thống tổ chức bộ máy còn hạn chế về nhiều mặt, hoạt động thiếu đồng bộ, đa số cán bộ mới, chưa quen địa bàn…

Tuy nhiên, cũng từ những khó khăn đó mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã càng đoàn kết kề vai sát cánh, quyết tâm xây dựng quê hương mới nhanh chóng thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và ngày một phát triển.

Rau xanh cũng là một lợi thế của xã Thuận Hà trong phát triển kinh tế

Ông Trần Văn Được, Chủ tịch UBND xã Thuận Hà cho biết: “Với lợi thế đất đai màu mỡ, chủ yếu là đất bazan thích hợp với cây cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng ngắn ngày khác, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung mọi giải pháp để vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nhân rộng, phát triển cây, con có giá trị kinh tế cao. Việc phát triển nông-lâm nghiệp được gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng mô hình nông thôn mới và xây dựng nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Cùng với đó, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cũng được xã đẩy mạnh, nhằm nâng cao trình độ sản xuất và chăn nuôi cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số”.

Bà Dương Thị Dung, một người dân ở bản Đầm Giỏ phấn khởi: Trước đây, gia đình tôi rất nghèo khổ, cuộc sống chỉ dựa vào cây ngắn ngày nên hiệu quả thấp. Thấy bà con trong vùng ai nấy trồng hồ tiêu đều đem lại thu nhập cao, nên gia đình tôi đã học hỏi làm theo, phát triển tốt. Những năm gần đây, giá tiêu lên, nên kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Năm 2016 vừa qua, gia đình tôi đã xây mới ngôi nhà trị giá trên 1 tỷ đồng, dự kiến sang năm 2018 sẽ mua ô tô”.

Đến nay, xã Thuận Hà có 3 trường và 3 điểm trường, với 2 cấp học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn

Bộ mặt nông thôn thay đổi toàn diện

Đến với vùng biên Thuận Hà hôm nay, dễ dàng nhận thấy sự đổi thay từ những rừng cà phê bạt ngàn trĩu quả và những trang trại hồ tiêu xanh ngút tầm mắt. Đến nay, tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày của xã đạt trên 3.000 ha; trong đó, cà phê 1.870 ha, sản lượng 4.323 tấn, tiêu 1.163 ha, sản lượng 2.130 tấn.

Đàn gia súc, gia cầm tăng đều qua các năm, với gần 43.000 con và từng bước chuyển theo hướng cải tạo giống mới để mang lại hiệu quả cao hơn. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, với các sản phẩm chủ yếu như khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, cơ khí chế tạo… Hoạt động thương mại - dịch vụ có nhiều khởi sắc.

Niềm vui tới trường của trẻ em Thuận Hà hôm nay (giờ sinh hoạt ngoài trời của học sinh Trường mầm non Hoa Ban)

Năm 2017, trên địa bàn xã có khoảng 16 công ty, doanh nghiệp, 2 hợp tác xã và 136 cơ sở kinh doanh thương mại-dịch vụ, với tổng mức bán lẻ đạt khoảng 35 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng của xã cũng thay đổi rõ rệt, các công trình công cộng như trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế… được xây dựng kiên cố, khang trang. Hệ thống đường giao thông được nhựa hóa và mở rộng, với trên 92% đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 81% đường liên thôn, xóm được cứng hóa; 65% đường ngõ xóm sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa và 75% đường trục chính nội đồng cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện.

Khi mới thành lập, xã chỉ có một trường tiểu học, đến nay trên địa bàn xã có 3 trường và 3 điểm trường với 2 cấp học, tăng 2 trường so với năm 2007. Chất lượng giáo dục được nâng cao, tỷ lệ lên lớp và tốt nghiệp các cấp học đạt từ 95% - 98% trở lên. Đội ngũ giáo viên được kiện toàn, chất lượng giảng dạy được nâng lên, tỷ lệ giỏi tăng dần theo từng năm.

Từ chỗ "trắng" về y tế, đến nay Trạm y tế xã thuận Hà được xây dựng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Công tác giảm nghèo được xã chú trọng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, xã đã tập trung rà soát và triển khai hỗ trợ công cụ sản xuất, phân bón và các loại giống cây trồng để các hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,3%, số hộ khá, giàu ngày một tăng.

Với đặc thù nằm ở vùng biên giới, nên việc phát triển kinh tế, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh được Thuận Hà hết sức chăm lo, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được lồng ghép với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia triển khai đạt hiệu quả cao.  

Đồng chí Nguyễn Hồng Thê, Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hà khẳng định: Sau 10 năm thành lập, bộ mặt nông thôn xã biên giới Thuận Hà gần như thay đổi toàn diện. Hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc được đầu tư xây dựng khang trang. Điều này đã tạo tiền đề rất lớn cho nhân dân phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Chất lượng, độ tin cậy của lực lượng vũ trang xã được nâng cao. Công tác phối hợp với bộ đội biên phòng được tăng cường, bảo đảm an ninh biên giới. Hệ thống chính trị ngày càng được kiện toàn, củng cố. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để xã Thuận Hà sớm hoàn thiện các tiêu chí, về đích nông thôn mới trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc xã biên giới Thuận Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO