Khai mạc Phiên họp thứ 27, Ủy ban thường vụ Quốc hội

Nguồn VOV| 15/04/2014 08:35

Sáng 14/4, Phiên họp thứ 27, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đây là phiên họp quan trọng chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Trong thời gian 10 ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các Dự án Luật, cũng như rà soát để các Dự án luật trình lên Quốc hội đạt chất lượng cao nhất.

Ngay sau khai mạc, các đại biểu cho ý kiến về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có báo cáo tổng kết, đánh giá cả định tính và định lượng đối với Nghị quyết số 40 của Quốc hội ban hành năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Từ kết quả đánh giá để có cơ sở cho việc về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi của Đề án này, nhất là về nguồn lực, cơ sở vật chất cho việc thực hiện Đề án.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, chương trình đổi mới sách giáo khoa theo Nghị quyết 40 của Quốc hội đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và cần thiết phải ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” có tính khả thi và cần khoảng 35.000 tỉ đồng đầu tư. Việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo tinh thần nghị quyết sẽ làm thay đổi dần cơ cấu đội ngũ giáo viên theo hướng đáp ứng đặc điểm của kiến thức trong chương trình mới, là tích hợp sâu ở cấp Tiểu học và cấp Trung học cơ sở, phân hoá mạnh ở cấp Trung học phổ thông.

Tán thành với sự cần thiết phải đổi mới giáo dục, tuy nhiên nhiều các đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những đánh giá chi tiết những tác động của Nghị quyết của Quốc hội, bổ sung những điểm mới của Hiến pháp vào Đề án để triển khai thực hiện đạt hiệu quả, chất lượng, mang tính chiến lược và đặc biệt là được học sinh, phụ huynh và nhân dân hưởng ứng.

Để Đề án trình Quốc hội đạt chất lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện nội dung, trong đó cần có đánh giá tác động việc thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội. Chương trình đổi mới giáo dục phải bám sát thực tiễn, coi trọng giáo dục toàn diện để phát triển năng lực, thể chất của học sinh, cũng như đảm bảo tính hợp hiến.

Chương trình giáo dục phải thống nhất. Đa dạng hóa sách giáo khoa là cần thiết nhưng phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. Bên cạnh đó, Nghị quyết cần nghi rõ lộ trình thực hiện Đề án cũng như việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.

* Tiếp tục phiên họp thứ 27, chiều 14/4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề.

Đa số các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi lần này phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy nghề, khắc phục được những bất cập, gắn dạy nghề với nhu cầu của thị trường lao động. Có ý kiến đề nghị cần đổi mới phương thức tổ chức đào tạo nghề theo hướng tích lũy mô-đun, môn học nhưng phải đảm bảo yêu cầu chất lượng. Các đại biệu cũng đề nghị Dự thảo luật cần sửa đổi theo hướng quy định rõ về đào tạo nghề của các nhà trường, tránh việc lẫn lộn giữa đào tạo “thầy và thợ”.

Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển góp ý: “Bây giờ có tình trạng trường công nhân kỹ thuật cố gắng nâng lên thành trung cấp rồi cao đẳng, đại học. Cuối cùng mục tiêu của chúng ta là đao tạo công nhân lành nghề lại trở thành đào tạo thầy, lẫn lộn giữa đào tạo thầy và thợ. Cần quy định chặt chẽ, đào tạo nghề là đào tạo nghề. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Không phải con đường vào đại học là con đường vinh quang”.

Các đại biểu cũng nêu lên thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay, hay việc đào tạo không theo nhu cầu thị trường và năng lực tay nghề dẫn đến chất lượng lao động qua đào tạo còn thấp. Việc cho phép thành lập nhiều trường đại học và số lượng tuyển sinh cũng là một trong những nguyên nhân gây dư thừa nhân lực nghề.

Đại biểu Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị: “Tờ chính cần làm rõ, các chính sách sửa đổi có hướng đến việc nguồn nhân lực góp phần tạo đột phá đối với nguồn nhân lực trong 10 năm tới hay không, đặc biệt là trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Tôi đề nghị phải đưa vấn đề nâng cao chất lượng là mục tiêu hàng đầu đối với việc sửa đổi lần này, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường và tái cơ cấu nền kinh tế”.

Về chính sách của Nhà nước đối với phát triển dạy nghề, một số ý kiến cho rằng cần quan tâm, ưu tiên phụ nữ và lao động nông thôn, đồng thời hỗ trợ cơ sở doanh nghiệp dạy nghề ở khu vực nông thôn, miền núi.

Về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động dạy nghề, nhiều ý kiến tán thành với những nội dung sửa đổi, bổ sung như trong Dự thảo Luật, song lưu ý các quy định phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và người học để Luật có tính khả thi trong thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Phiên họp thứ 27, Ủy ban thường vụ Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO