Khai mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

Nguồn VOV| 04/05/2015 16:35

Tại Hội nghị lần thứ 11 này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng.

Sáng nay (4/5), tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Toàn cảnh phiên khai mạc

Tại Hội nghị lần thứ 11 này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ bàn về các vấn đề: Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XII; Mô hình tổ chức chính quyền địa phương; Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và góp ý về báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu một số ý kiến có tính chất gợi mở để Trung ương nghiên cứu, thảo luận và quyết định.

Về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tổng Bí thư chỉ rõ: hai nội dung quan trọng nhất của mỗi kỳ Đại hội Đảng là việc thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (gọi tắt là thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (gọi tắt là công tác nhân sự). Hai nội dung này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau.

Từ nay cho đến Đại hội Đảng toàn quốc, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương phải tập trung công sức cho việc chuẩn bị nhân sự Đại hội theo quy định của Điều lệ Đảng. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, đòi hỏi Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp.

Tại Hội nghị lần này, Trung ương cần cho ý kiến, thảo luận và quyết định Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để làm cơ sở cho việc chuẩn bị nhân sự tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII và nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016 -2021 tại các hội nghị tiếp theo.

Tổng Bí thư phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

Tổng Bí thư nhấn mạnh: vừa qua, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm và bài học chuẩn bị nhân sự từ Đại hội VI đến Đại hội XI của Đảng, đồng thời căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Tiểu ban Nhân sự đã chuẩn bị Dự thảo Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ khóa XII. Tiểu ban đã tổ chức lấy ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Tiểu ban Nhân sự đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và báo cáo Bộ Chính trị xem xét, trình Hội nghị Trung ương lần thứ 11.

Trong báo cáo của Bộ Chính trị trình Trung ương đã nêu khá đầy đủ về yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; tiêu chuẩn Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; số lượng, cơ cấu, quy trình giới thiệu, lựa chọn và một số chủ trương cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương.

Tổng Bí thư đề nghị mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên: Cần lưu ý nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào? Phải chăng về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của dân tộc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, được quần chúng thực sự tin yêu?

Trong công tác chuẩn bị nhân sự cần đặc biệt nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, gương mẫu, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”…

Về số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: nguyên tắc phân bổ đại biểu phải thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, có số lượng hợp lý, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn Đảng, đảm bảo thành công của Đại hội. Căn cứ để phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng dựa trên 3 tiêu chí: Đầu mối đảng bộ trực thuộc Trung ương; số lượng đảng viên của từng đảng bộ; vị trí quan trọng của một số đảng bộ. Theo kinh nghiệm các khóa trước đây, việc phân bổ đại biểu dự Đại hội toàn quốc của Đảng theo các nguyên tắc và căn cứ nêu trên về cơ bản được các cấp ủy, tổ chức đảng đồng tình. Điều quan trọng nhất là phải lựa chọn và bầu được những đồng chí thật sự tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc.

Đối với vấn đề mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đổi mới, kiện toàn mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bộ Chính trị trình Trung ương tiếp tục xem xét, cho ý kiến, nhất là việc lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương để định hướng cho việc Quốc hội xem xét, ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại kỳ họp thứ 9, khóa XIII sắp tới. Trong đó, chú ý phân tích, đánh giá tính đúng đắn, phù hợp của các đề xuất gắn với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt bằng cách quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, việc phân cấp, ủy quyền đối với chính quyền địa phương các cấp sát hợp với thực tế có những đặc thù về địa lý, dân số, kinh tế - xã hội giữa các địa phương, vùng lãnh thổ.

Phải chăng chính quyền nông thôn cần được chú trọng nâng cao nhiệm vụ, quyền hạn quản lý toàn diện theo lãnh thổ ở cả 3 cấp; chính quyền đi thị cần được tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn quản lý ngành, lĩnh vực với sự phân cấp, ủy quyền phù hợp giữa cấp thành phố với thị xã, quận phường; tổ chức và hoạt động của chính quyền các khu hành chính – kinh tế đặc biệt cần được quy định trong một đạo luật riêng?....

Tổng Bí thư cũng đề nghị Trung ương cho ý kiến về các vấn đề nêu trong Tờ trình và Báo cáo đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, có kết luận định hướng để Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: các hoạt động kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong những ngày vừa qua đã khơi dậy trong toàn Đảng, toàn dân ta niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Dân tộc Việt Nam anh hùng. Hơn ai hết, mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương cần phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, vẻ vang của Đảng và dân tộc, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành thật tốt trọng trách được giao; phát huy trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng, bảo đảm cho thành công của Hội nghị Trung ương lần thứ 11.

Theo chương trình, Hội nghị Trung ương 11 (khóa XI) làm việc đến ngày 7/5/2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO