Kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII

Ban Tuyên giáo Trung ương| 23/12/2014 08:29

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục tập trung triển khai Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) dành 2/3 thời gian cho công tác xây dựng pháp luật để xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật nhằm khẩn trương đưa Hiến pháp vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

ADQuảng cáo

Công tác lập pháp

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 18 luật, 11 nghị quyết, gồm các luật và nghị quyết sau: Luật Tổ chức Quốc hội; luật Tổ chức Tòa án nhân dân; luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; luật bảo hiểm Xã hội; luật Căn cước công dân; luật Hộ tịch, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hàng không dân dụng Việt Nam; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi hành án dân sự; luật Nhà ở; luật Kinh doanh bất động sản; luật Đầu tư; luật Doanh nghiệp; luật Doanh nghiệp; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; luật Công an nhân dân; luật Giáo dục nghề nghiệp; Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc thi hành luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Nghị quyết về việc thi hành luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả và hệ thống ngân hàng; Nghị quyết về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 12 dự án luật khác để làm cơ sở cho việc tiếp tục tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện, trình xem xét thông qua tại kỳ họp sau, gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); luật Tổ chức chính quyền địa phương; luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Bộ luật Dân sự (sửa đổi); luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi); (sửa đổi) luật Ban hành văn bản pháp luật; luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); luật An toàn vệ sinh lao động; luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo; luật Thú y.

Xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng

a. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước

Quốc hội đã thảo luận các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015. Quốc hội đã tập trung đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc những mặt tích cực và những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện từng mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội; xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, kết quả công tác điều hành của Chính phủ, các ngành, các cấp để từ đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về chính sách, điều hành cho năm 2015.

Quốc hội cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội trong nước còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2014 đã có những chuyển biến tích cực, đạt mục tiêu tổng quát, đạt và vượt 13/14 chỉ tiêu kế hoạch năm 2014. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi, thu ngân sách đạt khá so với dự toán; an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo được quan tâm triển khai đồng bộ; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững;... Các vị đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém: kinh tế phục hồi nhưng chưa vững chắc; tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm; bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng nhanh, xử lý nợ xấu chậm; số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoặc thu hẹp hoạt động lớn; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng; đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, khiếu nại tố cáo còn diễn biến phức tạp; tham nhũng lãng phí chưa được đẩy lùi...

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 với các mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu như sau:

- Mục tiêu tổng quát năm 2015: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế.

- Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2015: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30%-32% GDP, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15%, số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 23,5 giường, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 82%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 911.100 tỷ đồng; nếu tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển từ năm 2014 sang năm 2015 thì tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 921.100 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.147.100 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 226.000 tỷ đồng.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2015. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách trung ương là 589.807 tỷ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 331.293 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách trung ương là 815.807 tỷ đồng, bao gồm cả 229.221 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương... Quốc hội giao Chính phủ xem xét quyết định phân bổ cụ thể và báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện tại kỳ họp thứ 9.

b. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Quốc hội đã xem xét Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đây là một nội dung quan trọng trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tác động sâu sắc đến đời sống học tập, lao động của toàn thể nhân dân. Qua xem xét, Quốc hội tán thành chủ trương của Chính phủ về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đồng thời phân tích những hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan và đề ra một số giải pháp bảo đảm triển khai thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó xác định mục tiêu nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; chuyển từ dạy chữ, đối phó với thi cử sang kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi người. Từ năm học 2018-2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

c. Chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Quốc hội cũng đã thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tại các phiên thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư và cho rằng nước ta cần có một Cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nợ công tăng nhanh và khả năng thanh toán còn bấp bênh, chất lượng tăng trưởng chưa cao, hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ,… nên nếu triển khai dự án sẽ tạo ra sức ép lớn cho nền kinh tế. Nhiều vị đại biểu Quốc hội băn khoăn về thời điểm đầu tư dự án, tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư… Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích, nghiên cứu các ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

ADQuảng cáo

Giám sát tối cao

a. Xem xét báo cáo và giám sát tối cao việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác năm 2014 của các cơ quan của Quốc hội, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, về công tác dân nguyện, tiếp công dân; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác thi hành án, phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, quốc phòng, an ninh, đối ngoại năm 2014…

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015”. Qua xem xét, Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuẩn bị dự thảo Báo cáo công phu và cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá của Báo cáo; phân tích những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế trong thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng; đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm bảo đảm đến năm 2015 hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Đồng thời, yêu cầu xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm người đứng đầu các cấp, cá nhân và tổ chức trong việc chậm thực hiện các đề án tái cơ cấu đã phê duyệt; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tái cơ cấu.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Quốc hội khẳng định qua 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đã mang lại kết quả bước đầu; việc xây dựng các đề án tái cơ cấu và hệ thống văn bản pháp luật tạo cơ sở quan trọng cho việc thực hiện tái cơ cấu; tạo sự chuyển biến nhận thức, tập trung chỉ đạo và ý thức trách nhiệm. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng chưa thực sự định hình; chưa xác định được toàn diện mối quan hệ trong tái cơ cấu ở các lĩnh vực trọng tâm và cả nền công nghiệp...

b. Chất vấn và trả lời chất vấn:

Quốc hội đã dành 1/2 ngày để nghe và thảo luận Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên Chính phủ đã có giải pháp tích cực, quyết liệt triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội, cụ thể hóa thành các cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nên đã đạt được những kết quả tích cực trên từng ngành, từng lĩnh vực. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa toàn diện, một số chính sách còn hạn chế, bất cập, kết quả một số mặt còn chưa đạt được yêu cầu của Quốc hội đề ra. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có biện pháp, giải pháp để thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Quốc hội, kết luận tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn và những vấn đề đã hứa khi trả lời chất vấn.

Tại kỳ họp này, có 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 184 văn bản chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Quốc hội đã lựa chọn các thành viên Chính phủ và các nhóm vấn đề chất vấn trên cơ sở những vấn đề quan trọng được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm. Với thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã tiến hành chất vấn trực tiếp 4 Bộ trưởng: Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Giao thông  - Vận tải Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo bổ sung một số vấn đề và trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội; các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tham gia giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan. Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và đồng bào cả nước. Sau phiên chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, yêu cầu các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội khẩn trương khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, sớm triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, ngành mình và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau.

c. Lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 của Quốc hội. Đây là lần thứ hai Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao về công tác nhân sự, thay mặt cử tri và đồng bào cả nước đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước.

Định hướng công tác tuyên truyền

Để phổ biến, giới thiệu rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nội dung của kỳ họp quốc hội, tạo được sự đồng thuận cao về nhận thức và hành động, công tác tuyên truyền cần chú ý phân tích làm sâu sắc những nội dung sau đây :

1. Kỳ họp Quốc hội diễn ra trong bầu không khí dân chủ, thể hiện rõ nét trên cả nghị trường, trong các phiên thảo luận tổ, trên các diễn đàn, được chuyển tải rộng rãi đến nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân về nội dung của kỳ họp được phản ánh khách quan. Các mặt của đời sống kinh tế - xã hội phản ánh toàn diện. Tồn tại, yếu kém trên các lĩnh vực đều được phân tích, mổ xẻ. Những kết quả tích cực đạt được trong năm 2014 được đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri ghi nhận, như : Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi ; việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế đạt được những kết quả bước đầu quan trọng ; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả; các mặt công tác an sinh xã hội; xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, công tác tư pháp, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng… được tích cực triển khai. Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, như : Kinh tế phục hồi chưa vững chắc, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm, xử lý nợ xấu chậm, nợ công tăng nhanh, tổng cầu của nền kinh tế còn yếu, việc làm, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; tệ nạn xã hội, tội phạm, tai nạn giao thông, tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp và khá nghiêm trọng…

2. Năm 2015 là năm ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Quốc hội khóa XIII quyết định; đồng thời là năm triển khai xây dựng kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 và tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Trong bối cảnh đó, Quốc hội xác định và yêu cầu thực hiện mục tiêu tổng quát của năm 2015 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh ; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược; nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công, đảm bảo nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác tuyên truyền phải động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm cao hơn nữa, đoàn kết một lòng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và 5 năm 2011 – 2015, tạo đà phát triển nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để các luật được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống. Làm rõ đây là những văn bản pháp luật quan trọng nhằm triển khai thi hành Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đảm bảo an sinh xã hội, đổi mới giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, khoa học, công nghệ và môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Việc ban hành các luật này đã cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vướng mắc bất cập trong cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tiếp tục quy định lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức để đảm bảo sự đánh giá thận trọng, khách quan. Quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của nhiệm kỳ Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân để khắc phục những hạn chế của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hằng năm, tạo sự kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ của các tổ chức đảng, làm cơ sở cho việc quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho khóa tiếp theo, tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI).

5. Đại biểu Quốc hội đã thay mặt cử tri và đồng bào cả nước thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Với ý thức trách nhiệm cao và sự chuẩn bị chu đáo, việc lấy phiếu tín nhiệm đã được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác. Kết quả này sẽ giúp cho từng vị được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác. Đây cũng là một kinh nghiệm quý để Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu tại các địa phương trên toàn quốc trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO