Kết quả chỉ số PCI năm 2014 của Đắk Nông tụt sâu cho thấy: Công tác cải cách hành chính vẫn còn nhiều hạn chế

Bình Minh| 20/04/2015 15:26

Đối với Đắk Nông, trong 9 chỉ số thành phần được công bố thì có tới 5 chỉ số bao gồm tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức, tính năng động và đào tạo lao động giảm điểm so với năm 2013. Các chỉ số tăng điểm so với năm 2013 là gia nhập thị trường, chi phí thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế quản lý.

Ngày 16/4, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã phối hợp tổ chức lễ công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Theo đó, thành phố Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu với hơn 66,87 điểm, tiếp đến là Đồng Tháp hơn 65,28 điểm, Lào Cai hơn 64,67 điểm và tỉnh Điện Biên xếp cuối bảng với hơn 50,32 điểm.

Đối với tỉnh Đắk Nông nếu như năm 2013, tổng điểm PCI của tỉnh là 54,68, xếp thứ 50/63 tỉnh, thành phố thì năm 2014, tổng điểm giảm xuống còn 53,9, xếp thứ 57/63 tỉnh, thành phố, tụt 7 bậc. Với số điểm này, Đắk Nông được xếp vào nhóm có chỉ số PCI tương đối thấp. So với khu vực Tây Nguyên thì Đắk Nông xếp cuối cùng. Lâm Đồng là địa phương đứng đầu khu vực với 58,79 điểm, tiếp đến là Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum. Như vậy, mục tiêu của UBND tỉnh đặt ra là tăng 4 bậc so với năm 2013 không chỉ không đạt được mà chỉ số PCI trong năm 2014 còn giảm sâu. Điều đó cho thấy, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng còn không ít hạn chế, bất cập.

Gia nhập thị trường là 1 trong 5 chỉ số tăng điểm so với năm 2013. (Trong ảnh: Hội chợ thương mại tại Đắk Nông. Ảnh: Hồ Mai)

Được biết, trong năm 2014, UBND tỉnh cũng đã đưa ra một loạt các giải pháp cụ thể để các ngành, địa phương thực hiện, với quyết tâm đưa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Đắk Nông tăng 4 bậc so với năm 2013. Tuy nhiên, những bất cập trong thực hiện cải cách hành chính ở các ngành, địa phương đã khiến cho mục tiêu trên không hoàn thành được.

Theo đánh giá của UBND tỉnh thì trong thời gian qua, việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại một số nơi còn rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp; còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa một số cơ quan hành chính nhà nước; thiếu sự thống nhất và phối hợp đồng bộ trong việc giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; công tác thực hiện các mục tiêu, giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI tại một số đơn vị còn mang tính hình thức, chiếu lệ…

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3 mới đây, UBND tỉnh cũng đã nêu rõ, nhận thức của một số cán bộ, công chức về cải cách hành chính còn hạn chế; quyết tâm chính trị của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chưa cao, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng. Các quy định về quản lý và sử dụng nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính chưa được quy định cụ thể, đồng bộ và thống nhất...

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, để tăng chỉ số PCI, tỉnh cần tập trung mạnh vào việc cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.

Được biết, trong năm 2015, UBND tỉnh cũng đã đưa ra mục tiêu là tiếp tục cải thiện chỉ số cạnh tranh PCI so với năm 2014. Thế nhưng, để đạt được mục tiêu này, ngoài việc rút kinh nghiệm trong năm 2014 thì việc giao cho mỗi sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm triển khai từng chỉ số thành phần phải được đẩy mạnh và triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả hơn. Công tác cải cách hành chính, trong đó, việc rà soát, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”, rút ngắn thời gian giải quyết cho doanh nghiệp, minh bạch hoá thông tin về quy hoạch, văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; tăng cường đối thoại với doanh nghiệp cần được đẩy mạnh thực hiện. Công tác tăng cường chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình sản xuất kinh doanh cũng sẽ được tỉnh tăng cường. Số lượng các thủ tục hành chính đưa vào thực hiện theo cơ chế ”một cửa” hiện đại chưa đáp ứng các yêu cầu, chưa gắn kết chặt chẽ với việc áp dụng hệ thống quản lý theo chất lượng TCVN ISO 9001: 2008...

Có thể nói, mặc dù, chỉ số PCI vừa mới được công bố chưa phải là thước đo toàn diện về sự phát triển tổng thể của một địa phương nhưng phần nào đó nó cũng phản ánh khách quan khả năng điều hành, lãnh đạo trên một số lĩnh vực của mỗi tỉnh, thành phố. Do vậy, việc phân tích và đưa ra các giải pháp triển khai mang tính dài hơi hơn để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết để tỉnh cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả chỉ số PCI năm 2014 của Đắk Nông tụt sâu cho thấy: Công tác cải cách hành chính vẫn còn nhiều hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO