Huyền thoại Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam

Hoàng Thanh| 23/10/2020 10:12

Cách đây vừa tròn 60 năm đã diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, đó là Đoàn B90 được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập vào tháng 5/1959 đã thực hiện nhiệm vụ mở đường trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

ADQuảng cáo

Trải qua nhiều gian khổ, hy sinh, ngày 30/10/1960, Đoàn B90 bắt liên lạc được với Đoàn C200 của miền Đông Nam bộ. Giờ phút lịch sử ấy đã nối liền hai vùng chiến lược Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ, khai thông đường chiến lược Bắc-Nam huyền thoại.

Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ từng tham gia chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam

Trong khoảng thời gian (1954-1975), đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh kiểu mới ở miền Nam Việt Nam, bằng việc xây dựng hệ thống phòng ngự, ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam. Trước tình hình đó, chủ trương của Đảng ta trong việc thực hiện xoi mở đường, khai thông tuyến đường vận tải chiến lược, đưa lực lượng, vật chất, phương tiện vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam đã thực sự mở ra một bước ngoặc lịch sử cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ đó, tuyến đường huyền thoại, trong đó có đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông ngày nay không chỉ là tuyến giao thông chiến lược, nối liền chiến trường Tây Nguyên với chiến trường Nam bộ, chấm dứt thời kỳ chiến trường bị chia cắt mà còn là chiến trường hết sức quyết liệt giữa ta và địch. Dù bị địch đánh phá ác liệt, gặp không ít khó khăn, gian khổ, song quân và dân tỉnh Quảng Đức cũ vẫn ra sức đóng góp vào việc vận chuyển, giữ vững huyết mạch chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

Lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cùng các cựu chiến binh tham dự Lễ tưởng niệm và đặt Bia tưởng niệm ghi danh các cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam

Quyết định xoi mở đường của Đảng ta còn khơi dậy, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa lực lượng cách mạng lúc bấy giờ với đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng đất Tây Nguyên. Những cán bộ, chiến sĩ tham gia xoi mở đường đã xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng, tuyên truyền, giác ngộ đồng bào các dân tộc hết lòng, hết sức ủng hộ cách mạng, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vốn có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm đã một lòng đi theo cách mạng. Với sự giúp sức của đồng bào, cán bộ cách mạng lúc bấy giờ đã xây dựng được cơ sở vững chắc, chuẩn bị cho việc tiếp nhận nhân tài, vật lực từ hậu phương miền Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam.

Trong chiến thắng to lớn về quân sự trên các chiến trường, cán bộ, chiến sĩ Ban hành lang tỉnh Quảng Đức đã góp phần xứng đáng của mình vào thắng lợi chung của chiến trường miền Nam. Lực lượng hành lang, giao liên của tỉnh đã có nhiều sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ. Linh hoạt tùy tình hình, điều kiện chiến trường, Ban hành lang đã sắp xếp lực lượng, dẫn đường cho cán bộ, bộ đội đi công tác, chuyển công văn, thư từ bằng đường bộ hoặc bằng điện đài, phục vụ kháng chiến.

ADQuảng cáo

Với phương tiện chủ yếu là sức người và tinh thần vượt khó, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ hành lang trên địa bàn tỉnh Quảng Đức đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đưa lực lượng chi viện từ miền Bắc vào miền Nam phục vụ kháng chiến, bảo đảm mạch lưu thông liên lạc, cơ sở vật chất, góp phần to lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phải khẳng định, trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn, gian khổ, lực lượng làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn nói chung, lực lượng hành lang trên địa bàn Quảng Đức-Đắk Nông nói riêng, với ý chí kiên cường đã khai thông và bảo vệ thành công để tuyến hành lang chiến lược hoạt động thông suốt. Sự hy sinh và những đóng góp to lớn của những cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân các dân tộc trong việc xây dựng và bảo vệ Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam nói chung, đoạn đi qua tỉnh Quảng Đức-Đắk Nông nói riêng đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Di tích Quốc gia đặc biệt - Địa điểm bắt liên lạc nối nam Tây Nguyên với Đông Nam bộ tại thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa)

Chiến tranh đã qua đi, nhưng lịch sử oanh liệt thì vẫn còn đó, các thế hệ  hôm nay sẽ không bao giờ quên. Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc luôn là biểu tượng của sức mạnh tinh thần, trí tuệ, lòng dũng cảm của quân và dân ta.

Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đường Trường Sơn nói chung và Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông nói riêng vẫn giữ nguyên giá trị chiến lược, lịch sử. Tuyến đường huyền thoại, gắn với bao chiến công oai hùng, đã trở thành một mốc son trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ..

Để thể hiện lòng tri ân công lao to lớn của các bậc cha anh đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, ngày 9/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2383 về việc xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh (trong đó có đoạn đi qua tỉnh Đắk Nông). Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý cho tỉnh Đắk Nông nâng cấp, mở rộng khu di tích lịch sử này.

Được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 30/10/2017, Lễ tưởng niệm và đặt Bia tưởng niệm ghi danh các cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu, hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông đã được tỉnh Đắk Nông tổ chức trọng thể tại thôn Cây Xoài, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa).

Lễ tưởng niệm thể hiện sự tri ân, tôn vinh và biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung đối với các thế hệ cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Đường hành lang chiến lược Bắc Nam-tuyến đường huyền thoại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyền thoại Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO