Hoạt động của KBNN trước sự tác động của chính sách tài khóa nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội

Nguyễn Công Điều| 02/10/2014 10:41

Kể từ khi thành lập cho đến nay, qua gần 25 năm hoạt động, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vị thế, vai trò của KBNN ngày một khẳng định, đồng thời là một trong những công cụ tài chính không thể thiếu, góp phần đắc lực vào sự lớn mạnh của ngành Tài chính Việt Nam.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ cũng như quá trình hoạt động của hệ thống KBNN trong thời gian vừa qua, đặc biệt là giai đoạn 2011-2013 đã cho thấy, hoạt động của hệ thống KBNN trên nền tảng của chính sách tài khóa đã thể hiện ở một số kết quả rõ nét sau đây:

Thu ngân sách nhà nước (NSNN): Đây là nhiệm vụ thường xuyên và rất quan trọng trong hoạt động của KBNN. Việc tập trung nhanh, đầy đủ nguồn thu cho NSNN luôn được hệ thống KBNN đặc biệt quan tâm nhằm đáp ứng nhu cầu chi ngày càng tăng của Chính phủ.

Do đó, để tiếp tục nâng cao tiềm lực tài chính, theo dõi sát diễn biến tình hình thu để điều hành nhiệm vụ chi của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, kể từ năm 2011 đến nay, KBNN phối hợp với cơ quan Thuế, Hải quan cùng với các Ngân hàng Thương mại triển khai dự án hiện đại hóa thu, trong đó ứng dụng công nghệ phần mềm tiên tiến, hiện đại (TCS) đã góp phần tập trung nhanh nguồn thu vào NSNN; đồng thời vừa đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người nộp thuế, vừa cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về thu NSNN cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, điều hành NSNN.

Kết quả thu NSNN hàng năm đều đạt và vượt dự toán được Quốc hội giao, bình quân qua 3 năm 2011-2013, tổng thu NSNN tăng 13%, trong đó thực thu NSNN tăng 9% và thu vay (NSNN vay trong và ngoài nước) tăng 38%.

KBNN tỉnh đã triển khai ứng dụng công nghệ phần mềm tiên tiến (TCS) trong Dự án hiện đại hóa nguồn thu. Ảnh: Phạm Khánh

Chi ngân sách nhà nước: Thực hiện kiểm soát chi NSNN, đây là nhiệm vụ trọng tâm của KBNN, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả trong sử dụng NSNN mà còn gắn với nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng theo luật định. Thông qua nhiệm vụ này đã nâng cao ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng NSNN của các đơn vị, tổ chức thụ hưởng NSNN.

Kết quả chi NSNN bình quân trong 3 năm 2011-2013 tăng 41%, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 53%, chi thường xuyên tăng 62% và chi trả nợ vay tăng 7%. Theo đó, trong quá trình kiểm soát chi, trung bình hàng năm, hệ thống KBNN đã kiểm soát hàng trăm ngàn tỷ đồng, với hàng vạn món chi và đã từ chối thanh toán hàng trăm tỷ đồng đối với những khoản chi không đúng mục đích, đối tượng, vượt chế độ định mức và các khoản chi sai quy định của Nhà nước.

Như vậy, nhiệm vụ kiểm soát chi của KBNN không chỉ là công cụ hữu hiệu nâng cao chất lượng, hiệu quả việc sử dụng NSNN (kể cả có nguồn gốc từ NSNN) mà còn có tác động điều tiết lượng tiền trong lưu thông, đồng thời tiết kiệm khá lớn nguồn kinh phí hàng năm được nhà nước giao cho các đơn vị thụ hưởng NSNN sử dụng. Thông qua nhiệm vụ này thể hiện vai trò của KBNN trong việc thực hiện kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Ngoài ra, tất cả các nhiệm vụ chi liên quan đến an sinh xã hội đều thông qua hoạt động kiểm soát chi của KBNN từ các khoản trích lập quỹ BHXH, BHYT, BHTN cho đến các khoản chi hỗ trợ, trợ cấp... Trên cơ sở điều hành CSTK của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN đã triển khai đầy đủ, kịp thời đến đối tượng thụ hưởng, đảm bảo nguồn vốn mà Chính phủ dành cho công tác an sinh xã hội được đến với đội ngũ cán bộ, công chức và người dân một cách nhanh nhất nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời giúp giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng sống cho người dân, gián tiếp tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Kết quả qua 3 năm (2011-2013) thực hiện công tác an sinh xã hội với số chi tuyệt đối trên 840.000 tỷ đồng và tốc độ tăng chi bình quân trên 200%, trong đó các khoản chi trợ cấp, học bổng, người có công, hỗ trợ việc làm, chương trình phục vụ dân sinh chiếm tỷ trọng lớn.

Mặt khác, để hạn chế sử dụng tiền mặt trong lưu thông, hệ thống KBNN đã tổ chức, triển khai thực hiện tốt các quy định tại Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg ngày 24/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và thực hiện quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống kho bạc nhà nước được quy định tại Thông tư số 164/2011/TT-BTC ngày 17/11/2011 của Bộ Tài chính.

Quản lý, điều hành nguồn vốn: Công tác điều hành vốn trong nội bộ KBNN là nhằm đảm bảo tính thanh khoản cao trong hệ thống, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu, thanh toán đối với tất cả khách hàng có giao dịch với KBNN, song nhiệm vụ này còn có ý nghĩa quan trọng hơn là góp phần vào chủ trương kích cầu của Chính phủ, đảm bảo lưu lượng tiền trong lưu thông và cùng với hệ thống Ngân hàng Thương mại thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ.

Trong giai đoạn vừa qua, hệ thống KBNN đã điều hành nguồn vốn trong nội bộ hết sức linh hoạt, chặt chẽ, an toàn, đảm bảo khả năng thanh toán ở mọi thời điểm; đồng thời có kế hoạch dự trữ một lượng vốn nhàn rỗi để tạm ứng cho NSNN khi nguồn thu chưa tập trung kịp. Đặc biệt, thông qua chức năng quản lý tồn ngân quỹ, hệ thống KBNN đã thực hiện điều tiết khối lượng tiền mặt tham gia vào thị trường tiền tệ, góp phần ổn định nền kinh tế, kiềm chế lạm phát.

Công tác huy động vốn: Nền kinh tế nước ta trong thời gian vừa qua, nhất là giai đoạn 2011-2013 gặp rất nhiều khó khăn, nguồn thu có tăng lên, song có chiều hướng thu hẹp do chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế..., doanh nghiệp giải thể, sản xuất kinh doanh đình đốn, hàng tồn kho ngày càng nhiều... làm cho nguồn lực tài chính suy giảm đã tác động mạnh đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì vậy,  để tăng cường nguồn lực tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng trưởng, vực dậy nền kinh tế, Chính phủ đã phải vay nợ (trong nước và nợ nước ngoài) thông qua phát hành TPCP và hệ thống KBNN là cơ quan được Chính phủ, Bộ Tài chính giao thực hiện nhiệm vụ này.

Kết quả qua 3 năm thực hiện, hệ thống KBNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tốc độ phát hành vốn TPCP phát hành tăng bình quân 54% đã giải quyết yêu cầu bội chi ngân sách, chi đầu tư phát triển và đáp ứng nhu cầu trả nợ vay (đảo nợ khoản vay cũ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động của KBNN trước sự tác động của chính sách tài khóa nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO