Hiểu về Dân chủ trong tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh

H.V| 23/10/2019 09:32

Ngày 15/10/1949, cách đây 70 năm, bài báo của Bác Hồ có tựa đề “Dân vận” được đăng trên báo “Sự thật” số 120 với bút danh X.Y.Z.

ADQuảng cáo

Vào lúc đó, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta còn đang ở giai đoạn đầu theo đường lối trường kỳ kháng chiến, với phương châm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, với niềm tin mãnh liệt “kháng chiến tất thắng, kiến quốc tất thành” như Hồ Chí Minh đã khẳng định, đã truyền cảm hứng tới toàn thể dân tộc ta qua những bài nói, bài viết nổi tiếng của Người.

Ảnh tư liệu

Mở đầu tác phẩm Dân vận, Hồ Chí Minh trình bày một quan niệm tổng quát về Dân chủ. Đây là cơ sở lý luận của công tác dân vận. Dân là gốc của nước, dân là chủ thể của mọi hoạt động sáng tạo ra lịch sử. Tiền đề nhận thức về dân vận là dân chủ. Có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng. Người xác định một tiền đề rất có ý nghĩa là “Nước ta là nước dân chủ”. Trong tiền đề này đã hàm chứa nhiều ý nghĩa, biểu đạt vấn đề cốt yếu. Đó là tính chất, bản chất của chế độ nhà nước ta, là đặc điểm nổi bật của chính thể nhà nước – một nhà nước dân chủ, một chế độ chính trị dân chủ. Trong đó khẳng định mô hình tổ chức quyền lực nhà nước, quyền lực xã hội của dân là dân chủ. Từ quan niệm này, Người đã xác định bản chất của dân chủ bằng một luận điểm cô đọng, ngắn gọn, hàm súc nhất mà cũng điển hình và thực chất nhất. “Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ”. Đó là một định nghĩa kinh điển được thể hiện một cách dung dị mà sâu sắc, không hàn lâm, bác học như vẫn thường thấy trong các học thuyết, lý thuyết xưa nay về dân chủ nhưng thực sự có tầm tư tưởng lớn, hiện đại, mới mẻ - GS.Hoàng Chí Bảo.

Người còn nói rõ tư tưởng này với một cắt nghĩa (giải thích) rằng, trong một nước dân chủ, một xã hội dân chủ thì Nhân dân là người chủ. Dân đã là chủ thì từ chủ tịch nước đến những nhân viên thường trong bộ máy đều là người phục vụ dân, là đầy tớ, công bộc của dân.

ADQuảng cáo

Hơn nữa, dân đã là người chủ và làm chủ thì dân cũng phải có nghĩa vụ của người chủ, có trách nhiệm xây dựng và quản lý nhà nước của mình, chế độ do mình lập ra và xã hội do mình xây dựng. Một quan niệm như vậy đã gắn liền quyền với nghĩa vụ, quyền luôn bị ràng buộc bởi trách nhiệm, bổn phận.

Người cũng hướng tới toàn thể số đông dân chúng trong xã hội có thực quyền và thực lợi, có trọng trách to lớn trong xây dựng nên chính quyền và đoàn thể. Tư tưởng này cũng vượt lên hạn chế thuộc về bản chất của dân chủ tư sản. Vậy là, chỉ bằng một mệnh đề ngắn gọn như đã nêu, Hồ Chí Minh đã thực hiện một cuộc cách mạng cả về ý thức hệ lẫn thể chế, thiết chế quyền lực nhà nước và xã hội. Làm sáng tỏ vấn đề này là một hệ thống các luận điểm mà Người nêu lên với tính khẳng định hết sức rõ ràng và luôn nhấn mạnh nhất quán với vai trò chủ thể của dân, với nội dung cốt lõi của dân chủ là lợi ích và quyền hạn của dân:

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.

Trong mục “Dân vận là gì?” (mục II của bài báo Dân vận), Người xác định: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng của toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho. Trong quan niệm này, dân là đối tượng của vận động và cán bộ phụ trách dân vận là chủ thể. Chủ thể tác động vào đối tượng là xác lập và thực hiện một mối quan hệ, đó là quan hệ xã hội giữa con người với con người, giữa tổ chức với con người, với công việc. Dân là đối tượng để vận động nhưng là đối tượng – chủ thể vì xét về bản chất, vai trò, mục đích thì dân luôn luôn là người chủ của xã hội dân chủ. Đáng chú ý là, trong quan niệm trên đây, Hồ Chí Minh nêu rõ yêu cầu “không sót một người dân nào”, thấy khả năng của mỗi một người, gộp lại thành lực lượng của tất cả, từ “mỗi một người dân” đi đến “lực lượng của toàn dân”. Người lại làm rõ từ vận động đến thực hành mà người cán bộ phụ trách dân vận phải làm tốt những nhiệm vụ được chính phủ và đoàn thể giao cho. Trong nhận thức về công tác dân vận, Người đặt lên hàng đầu vai trò của Nhân dân, của từng người đến toàn thể dân tộc. Nhiệm vụ dân vận rất nặng nề mà cũng rất quan trọng, bởi chỗ không sót một người nào, tức là phải đi sâu vào quần chúng, làm chuyển động lực lượng của từng người và của tất cả mọi người.

Dân vận, qua những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh cho ta nhận ra khoa học và nghệ thuật của công tác vận động quần chúng. Đó cũng là những giá trị ở tầm văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, nhìn từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân, chính quyền, đoàn thể với Nhân dân mà mục đích cao nhất là vì dân, phục vụ Nhân dân như phục tùng một chân lý cao nhất, làm đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của dân là thực hành một lẽ sống cao thượng nhất như Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta. Dân vận thực sự mang tầm vóc và ý nghĩa của một Cương lĩnh vận động quần chúng làm cách mạng, có giá trị lâu dài, bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu về Dân chủ trong tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO