Gỡ khó việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục

Nguyễn Hiền| 16/07/2018 09:40

Qua giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Đắk Nông, việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

ADQuảng cáo

Do chưa có hướng dẫn về sử dụng kinh phí liên quan nên ngành Giáo dục còn gặp khó khi tổ chức các hoạt động chung, có nhiều cấp tham gia. Ảnh: Giáo viên bậc mầm non tham gia Hội thi làm đồ dùng dạy học cấp tỉnh

Triển khai chưa đồng bộ

Theo đánh giá, việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục trong thực tế đã gặp một số khó khăn nhất định như giữa Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/11/2010 và Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 25/5/2015 có một số nội dung không thống nhất với nhau và khác với các quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy, trong thực tiễn, các phòng GD-ĐT không thực hiện được trách nhiệm của mình trong công tác tổ chức cán bộ, bổ nhiệm, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức trong ngành.

Qua thực tế giám sát tại các huyện cho thấy, việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục chưa có sự đồng bộ, thống nhất, thông suốt. Giữa cấp tỉnh và cấp huyện thiếu quy định về trách nhiệm phối hợp giữa Sở GD-ĐT với UBND các huyện, thị xã trong việc phát triển mạng lưới giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ nhiệm lãnh đạo phòng GD-ĐT, đội ngũ cán bộ, giáo viên…

Giữa các huyện, thị xã cũng có sự khác nhau trong việc phân công, phân cấp cho các phòng. Sự phối hợp giữa các phòng, ban liên quan với phòng GD-ĐT ở một số huyện thiếu sự nhịp nhàng, thường xuyên. Hầu hết các đơn vị không có quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong khi đó, chức năng, nhiệm vụ của ngành GD-ĐT tuy lớn nhưng thiếu chủ động các nguồn lực để triển khai thực hiện.

ADQuảng cáo

Cũng qua giám sát, việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về giáo dực chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về sử dụng kinh phí nên các đơn vị gặp khó trong thực hiện các hoạt động chung có quy mô lớn, có nhiều cấp tham gia như thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Hội khỏe Phù Đổng…

Cần khắc phục khó khăn, bất cập

Từ thực tế giám sát, Ban Văn hóa-Xã hội đã đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan cần tham mưu, điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước về GD-ĐT được thống nhất, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở.

Trên cơ sở đó, mới đây, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 3192 đề nghị các sở thực hiện phần nhiệm vụ liên quan đến công tác phân công, phân cấp quản lý giáo dục. Theo đó, Sở GD-ĐT nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh văn bản đề nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 115. Sở GD-ĐT cần phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành khung hoặc hướng dẫn phân công, phân cấp quản lý nhà nước về GD-ĐT trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn các huyện, thị xã trong việc sử dụng, thanh quyết toán kinh phí chi cho các hoạt động chung của ngành Giáo dục theo tinh thần nghị quyết của HĐND tỉnh.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã nghiên cứu về việc sắp xếp, bố trí đủ giáo viên cho bậc mầm non và tiểu học. Mỗi trường cũng cần bố trí một hợp đồng 68 làm nhiệm vụ bảo vệ cơ sở vật chất trường lớp học.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO