Giáo sư Hà Văn Tấn - niềm tự hào của ngành sử học Việt Nam

Vũ Hà| 04/12/2019 09:38

Tối 27/11, Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn đã qua đời, hưởng thọ 83 tuổi. Ông là người trẻ nhất và là người cuối cùng của nhóm "tứ trụ'" sử học Việt Nam đương đại (thuộc Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội) về với thế giới vĩnh hằng. Dù biết sức khỏe của ông không tốt đã lâu nhưng tin này đến với chúng tôi, những người được vinh dự là học trò của Giáo sư là điều đột ngột và tiếc nuối...

GS Hà Văn Tấn sinh năm 1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du). Năm 1957, ông tốt nghiệp đại học ở tuổi 20. Tài năng và phong cách khoa học của Hà Văn Tấn bộc lộ ngay trong công trình đầu tay được xuất bản khi ông mới 23 tuổi. Đó là công trình hiệu đính và chú thích cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Để có số trang chú thích gấp bốn lần số trang chính văn, ông đã đọc gần 50 đầu sách từ nguyên bản chữ Hán.

Suốt gần 50 năm nghiên cứu gắn với giảng dạy, ông là tác giả của 298 công trình khoa học được đăng trên tạp chí trong và ngoài nước. GS Hà Văn Tấn được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, năm 1997; nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ năm 2000 và nhiều huân huy chương, giải thưởng khác. Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) với 2 lần được phong danh hiệu Anh hùng cũng có sự đóng góp của ông cùng các đồng nghiệp.

"Tứ trụ" giới sử học từ trái qua phải: GS Trần Quốc Vượng, GS Đinh Xuân Lâm, GS Hà Văn Tấn và GS Phan Huy Lê chụp ảnh cùng vợ chồng GS Trần Văn Giàu năm 1996. Ảnh tư liệu

GS Hà Văn Tấn là một nhà khoa học lớn, rất chuyên sâu, uyên bác trên nhiều lĩnh vực - liên ngành và đa ngành: Khảo cổ học, lịch sử Việt Nam cổ trung đại, lý luận sử học, ngôn ngữ học, triết học, Phật học, lịch sử tư tưởng, văn hóa học, ngôn ngữ học, nhân chủng học, văn bản học, toán học thống kê, khảo cổ học Đông Nam Á tiền sử và lĩnh vực nào cũng đều rất uyên bác.

Đồng nghiệp và học trò luôn ngưỡng mộ GS. Hà Văn Tấn, nhất là ở khả năng tự học và nghiên cứu. Ông thông thạo và sử dụng tốt chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật. Đặc biệt, ông học tiếng Đức qua sách tiếng Nga, tiếng Nhật qua sách tiếng Trung Quốc rồi còn tự tìm cách học tiếng Sanskrit (Phạn) - một thứ ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại rất khó học thông qua tiếng Đức.

Cố Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn được nhiều người trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn coi là “Lê Quý Đôn của thế kỷ 20.” Cố GS Trần Quốc Vượng thì đánh giá: “GS Hà Văn Tấn là một người hiền tài”. GS Hà Văn Tấn để lại một di sản được các thế hệ học trò đánh giá là “của một người khổng lồ” trong nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, văn hóa học và Phật giáo Việt Nam.

Cùng với "tứ trụ" là các GS Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, tên tuổi GS Hà Văn Tấn đã là niềm tự hào không chỉ của Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội mà còn của cả ngành khoa học lịch sử và văn hóa Việt Nam nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư Hà Văn Tấn - niềm tự hào của ngành sử học Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO