Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên

Lam Giang| 26/11/2019 09:11

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 37 ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, cấp ủy các cấp trên địa bàn tỉnh có nhiều đổi mới trong công tác giáo dục lý luận chính trị, nâng cao hiệu quả thực hiện nghị quyết của Đảng.

ADQuảng cáo

Đổi mới hình thức triển khai, quán triệt

Thực hiện Nghị quyết số 37, việc triển khai, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng và của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08, ngày 7/6/2016 “Về nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nghị quyết của Đảng”.

Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng dành cho cán bộ được quy hoạch các chức danh chủ chốt của tỉnh

Trên cơ sở đó, phương pháp truyền đạt nghị quyết có nhiều đổi mới theo hướng tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, gắn với tình hình địa phương, đơn vị. Hình thức tổ chức học tập ngày càng đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng như truyền hình trực tiếp, hội nghị trực tuyến, lồng ghép vào các hội nghị, đoàn thể chính trị-xã hội… Cấp ủy các cấp trực tiếp truyền đạt nghị quyết gắn với chương trình, kế hoạch thực hiện của địa phương, đơn vị.

Sau các hội nghị nghiên cứu, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, cán bộ, đảng viên viết bài thu hoạch. Qua đó, nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng được nâng lên. Các chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp được xây dựng thiết thực, hiệu quả, bám sát thực tiễn của đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và của các cấp ủy địa phương đến cán bộ, hội viên, đoàn viên, người dân. Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã bám sát kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền sâu rộng các nội dung chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao trình độ lý luận

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 04, ngày 5/7/2018 “Về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”.

Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã kịp thời triển khai, tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho cán bộ, đảng viên theo kế hoạch đã được cấp ủy phê duyệt. Một số trung tâm bồi dưỡng chính trị đã tổ chức các lớp đào tạo chương trình sơ cấp lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Kết quả từ năm 2008 - 2018, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã đã mở được 2.117 lớp, với 197.670 lượt cán bộ, đảng viên tham gia học tập; trong đó, có 29 lớp đào tạo chương trình sơ cấp lý luận chính trị với 1.525 học viên tham gia.

ADQuảng cáo

Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, cử cán bộ đi đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị và triển khai công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo quy định của Trung ương và Tỉnh ủy. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, đã có 681 học viên tham gia đào tạo, hoàn thiện cao cấp lý luận chính trị. Đối với đào tạo hệ trung cấp lý luận chính trị đã mở 48 lớp; trong đó, 26 lớp tập trung và 22 lớp không tập trung, với 2.928 học viên. Ngoài ra, tỉnh đã cử 1.417 cán bộ tham gia các chương trình, lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức do Trung ương và tỉnh phối hợp tổ chức.

Phương pháp giảng dạy, học tập tại Trường Chính trị tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã cũng được đổi mới theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra tại địa phương. Hầu hết, các đơn vị đều áp dụng biện pháp quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học bằng cách tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Các chương trình giáo dục lý luận chính trị đã trang bị cho cán bộ, đảng viên phương pháp, tư duy một cách có hệ thống và cụ thể để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức.

Song song đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong khối tư tưởng, khối nội chính triển khai thực hiện tốt các đề án, chỉ thị trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa như Chỉ thị số 21, ngày 26/4//2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; Đề án số 05, ngày 5/7/2018 của Tỉnh ủy về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng bộ tỉnh Đắk Nông”…

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, việc đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, thù địch, nhất là trên không gian mạng internet được chú trọng, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, củng cố niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của địa phương, đơn vị.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập huấn công tác tuyên giáo cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ, chuyên viên ban tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở

Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn

Tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khóa XI về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 mới đây, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế yếu kém trong quá trình thực hiện Nghị quyết 37. Đó là ý thức đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận để bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao. Công tác giáo dục lý luận chính trị tuy đã có đổi mới nhưng nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục vẫn còn bất cập, thiếu nhạy bén, chưa gắn chặt giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Đội ngũ cán bộ lý luận còn mỏng, thiếu chuyên gia nghiên cứu…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, nguyên nhân của hạn chế yếu kém là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ quan điểm của Đảng về vai trò của công tác lý luận trong sự nghiệp phát triển, từ đó, dẫn đến chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đặc biệt, các cấp, các ngành, địa phương phải đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng giảm thời gian đọc báo cáo văn bản, tăng thời gian thảo luận, trao đổi ý kiến để làm rõ các vấn đề.

Cơ chế quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học, trước hết là khoa học xã hội nhân văn cần phải được đổi mới. Các ngành, địa phương nâng cao chất lượng nghiệm thu, đánh giá các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Phương pháp giảng dạy lý luận chính trị cần đổi mới theo hướng gắn lý luận với thực tiễn và áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học. HĐND tỉnh, UBND tỉnh rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn địa phương trong quản lý hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; trong đó phải huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân, cộng đồng...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO