Độc đáo những hiện vật ghi dấu một thời oai hùng

Mỹ Hằng| 26/10/2020 16:23

Qua thời gian sưu tầm và được hiến tặng, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đang lưu giữ khá nhiều hiện vật liên quan đến Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Đắk Nông. Các hiện vật đều do các cán bộ cách mạng, cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Đức cũ trao tặng, có nhiều giá trị về mặt lịch sử, hết sức quý giá.

Cây đèn dầu tự chế

Năm 2007, ông Mai Xuân Trinh, nguyên là cán bộ giao liên tỉnh Quảng Đức cũ đã tặng Bảo tàng tỉnh cây đèn dầu tự chế. Vào tháng 4/1965, ông Trinh làm thợ may ở căn cứ Nâm Nung thuộc Ban hậu cần B4 đóng quân bên cạnh suối Đắk Rloong, có trách nhiệm may quân phục, áo quần cho cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Trong thời gian làm ở Ban hậu cần B4, ông Trinh được mọi người yêu mến và được ông Đinh Công Sứ làm ở Xưởng Quân giới tặng chiếc đèn dầu tự chế.

Chiếc đèn dầu tự chế của ông Mai Xuân Trinh

Theo đó, ông Đinh Công Sứ đã tận dụng những chiến lợi phẩm thu được và những vật dụng mà lính Mỹ vứt đi như lọ cồn 90 độ, đạn 12 ly 7, ruột bút bi...để làm cây đèn dầu tặng ông Trinh. Đây là loại đèn dầu được dùng trong sinh hoạt cá nhân rất tiện lợi. Năm 1973, ông Trinh đã sử dụng cây đèn dầu này thắp sáng để viết lại truyện ngắn “Họ sống và chiến đấu” của tác giả Nguyễn Khải. Sau khi đất nước thống nhất, ông Trinh cất giữ cây đèn dầu làm kỷ niệm, thi thoảng mang ra lau chùi cẩn thận.

Bộ dụng cụ y tế

Bác sĩ Phạm Kinh, nguyên đại tá quân y tặng Bảo tàng tỉnh bộ dụng cụ phẫu thuật 99 món như lưỡi dao mổ, kim khâu, ống nghe, dụng cụ mở khí quản, kim chọc tủy sống, que thăm dò, kẹp cầm máu, kềm nhổ răng, kẹp cặp tử cung, kềm nạo, ống thông tiểu, kẹp khăn mổ…

Bộ dụng cụ y tế của bác sĩ Phạm Kinh

Đây là bộ dụng cụ y tế được bác sĩ Phạm Kinh mang từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam dùng để cứu chữa thương binh và người dân của tỉnh Quảng Đức, nhiều nhất là khu căn cứ kháng chiến Nam Nung. Không những chữa trị cho bộ đội, du kích, bác sĩ Phạm Kinh còn dùng bộ y cụ này để đỡ đẻ cho nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số trong vùng.

Sau khi đất nước thống nhất, bộ dụng cụ y tế này được bác Phạm Kinh cất giữ cẩn thận làm kỷ niệm, ghi dấu một thời xông pha trên chiến trường Quảng Đức. Khi nghe Bảo tàng tỉnh sưu tầm, bác đã không ngần ngại hiến tặng để lưu giữ, bảo quản.

Vật dụng xoi đường

Bác Nguyễn Văn Nhiên (Ama Nhiên)-người từng tham gia Đoàn B90 đã tặng Bảo tàng tỉnh các hiện vật như: con dao găm, ănggô, lon đựng sữa… mà bác đã dùng trong thời kỳ xoi Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam. Năm 1959, khi tham gia Đoàn B90, trước khi lên đường, ông được cấp một chiếc ănggô, võng, cùng với các quân tư trang khác để phục vụ chuyến đi. Các vật dụng luôn đi cùng ông trong suốt hành trình tham gia xoi mở đường và chiến đấu trên các chiến trường Tây Nguyên, nhất là ở khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung.

Năm 1975, hòa bình lập lại, ông cất giữ các vật dụng để làm kỷ niệm, xem như là kỷ vật quý giá về khoảng thời gian cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ ở chiến trường Quảng Đức. Thế nhưng sau đó, ông đã đem tặng Bảo tàng tỉnh nhằm lưu giữ kỷ vật kháng chiến, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Chiếc dao găm từ lưỡi lê

Bác Võ Văn Thông, cựu chiến binh tỉnh Quảng Đức cũ cũng tặng Bảo tàng tỉnh chiếc dao găm mà ông luôn cất giữ làm kỷ niệm. Vào năm 1965, khi đang huấn luyện quân sự tại Nha Trang, ông Thông nhận được lệnh lên đường hành quân bổ sung lực lượng cho chiến trường Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), sau đó được chuyển qua tỉnh Quảng Đức với nhiệm vụ là hỗ trợ, phối hợp cùng du kích địa phương đánh những mục tiêu quan trọng của địch trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968.

Với các cựu chiến binh từng tham gia soi đường, mỗi kỷ vật luôn gắn liền với những kỷ niệm khó quên

Trước một ngày lên đường, Ban Hậu cần khu 6 cấp quân tư trang, lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết và 1 khẩu súng AK cho các chiến sĩ. Đầu năm 1968, chiến dịch Tết Mậu Thân diễn ra, lực lượng trong tỉnh cùng với đơn vị chủ lực đã chia làm nhiều mũi tấn công vào các cứ điểm như Gia Nghĩa, sân bay Nhân Cơ và làm chủ đoạn đường 14 từ Đức Lập đi Đắk Song, Gia Nghĩa.

Trong khi tác chiến, phần lưỡi lê gắn ở đầu súng AK của ông bị gãy và ông nhặt lưỡi lê này về nhờ Xưởng Quân giới tạo thành một chiếc dao găm. Từ khi có chiếc dao găm, ông luôn mang theo bên mình để bảo vệ, phòng thân khi cần thiết. Mỗi khi đi rừng, ông dùng chiếc dao găm này để chặt đọt mây, chặt cây làm lán ngủ…

Đối với nhiều cán bộ cách mạng, cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ tuyến Đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, những vật dụng hết sức đơn giản dùng trong sinh hoạt, chiến đấu luôn gắn bó với họ trong những ngày khó khăn, gian khổ. Bởi vậy, họ luôn nâng niu, trân quý cất giữ như những báu vật nhưng cũng sẵn sàng hiến tặng Bảo tàng tỉnh để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo những hiện vật ghi dấu một thời oai hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO